Multimedia Đọc Báo in

Để Đắk Lắk sớm trở thành điểm đến của cà phê thế giới

07:55, 24/03/2019
Việt Nam là nước đứng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê, nhưng vấn đề gia tăng giá trị cho mặt hàng này vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Nhân dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) xoay quanh vấn đề này.
 
● Thưa ông, để khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế thì cà phê Đắk Lắk nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung cần phải khắc phục những hạn chế gì? 
 
Cà phê là một trong những ngành hàng mang lại giá trị cao nhất cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, có thực tế là lâu nay cà phê Việt Nam vẫn được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thông qua những cái tên của nhà chế biến, xuất khẩu cà phê nước ngoài. Từ đó, dẫn đến giá trị thu về chưa tương xứng với tiềm năng hiện có và chưa làm rõ một thương hiệu cho riêng mình khi bước ra thị trường quốc tế.
 
Chính bởi vậy, theo tôi, vấn đề đặt ra là làm sao để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu, phát triển thương hiệu cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng, làm thế nào để đưa cà phê Việt Nam mang chính cái tên của mình vươn xa, từ đó, sản phẩm cà phê sẽ thu về giá trị cao hơn.
 
Để làm được điều này thì ngoài sự chủ động của doanh nghiệp cà phê còn cần sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các chuyên gia trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là tạo ra những sản phẩm cà phê đặc sản, cà phê hảo hạng có giá trị gia tăng cao trên thị trường. Trong đó, chú trọng xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm cà phê của Việt Nam để xuất khẩu và bán sản phẩm ra hệ thống phân phối của nước ngoài bằng thương hiệu cà phê mang chính tên mình. 
 
●Thưa ông, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua những rào cản về phát triển của cà phê Việt Nam trên thương trường quốc tế thì Cục Xúc tiến thương mại đã có những hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu?  
 
Như tôi đã nói, cà phê chế biến sâu và khẳng định được thương hiệu sẽ mang về giá trị cao. Song hành với việc cải thiện năng suất và chất lượng thì câu chuyện mở rộng thị trường cũng chiếm vị thế quan trọng không kém. Do đó, việc cần làm là đẩy mạnh xúc tiến thương mại và xuất khẩu nông sản của cả nước nói chung và của tỉnh Đắk Lắk nói riêng, đặc biệt là xuất khẩu cà phê.
 
Cục Xúc tiến thương mại  đã phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là ngành cà phê Việt Nam và các địa phương có sản lượng cà phê lớn như tỉnh Đắk Lắk để hỗ trợ người trồng, doanh nghiệp cà phê chú trọng vào việc nâng cao chất lượng, cải tạo giống, thay đổi phương thức canh tác... Cục chú trọng việc triển khai các hoạt động xúc tiến, kích cầu tiêu thụ nông sản, tổ chức các đoàn doanh nghiệp của tỉnh Đắk Lắk tham gia hội chợ lớn, có uy tín trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm, khẳng định thương hiệu, tìm kiếm đối tác phân phối hàng hóa; phối hợp với Sở công thương địa phương tăng cường công tác cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến thương mại...
 
●Thưa ông, đến tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, ông nhìn nhận như thế nào về triển vọng của cà phê Đắk Lắk nói riêng và cà phê Việt Nam nói chung trong thời gian tới?
 
Trong khuôn khổ của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 vừa qua, Bộ Công thương cũng đã hỗ trợ trong việc mời gọi các nhà đầu tư, xuất nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới đến tham gia, giao lưu, xúc tiến thương mại tại các hoạt động như Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị xúc tiến đầu tư... 
 
Đặc biệt, chúng tôi đã mời được gã “bán lẻ khổng lồ” Amazon tham gia. Thông qua đó, các bên đã bàn bạc các giải pháp để hỗ trợ cho ngành cà phê của tỉnh Đắk Lắk xây dựng, quảng bá thương hiệu trên môi trường điện tử của Amazon cũng như hỗ trợ doanh nghiệp cà phê đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường thế giới. Tôi cho rằng, đó là cơ hội tốt để các địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư giao lưu, gặp gỡ tìm kiếm đối tác phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu cà phê; phát triển và quảng bá thương hiệu các sản phẩm cà phê Việt Nam tới người tiêu dùng trong nước và đối tác nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.  
 
Trên thực tế, cà phê Việt Nam vẫn có không ít sản phẩm đang được ưa chuộng trên thị trường thế giới, các thương hiệu được người tiêu dùng biết đến như Trung Nguyên, Vina Cà phê... Đây cũng là tiền đề để thị trường trong nước và quốc tế tiếp tục có được những thương hiệu mạnh của Đắk Lắk như An Thái, Đắk Man...
 
Đặc biệt, định hướng phát triển cà phê đặc sản được bàn bạc tại Lễ hội vừa qua là định hướng mang tính chiến lược quan trọng để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Đắk Lắk nói riêng, cà phê Việt Nam nói chung.  Đó là xây dựng chuỗi sản xuất chế biến cà phê nhân dựa trên sự liên kết giữa người trồng, thu gom, sơ chế và các doanh nghiệp chế biến sâu cà phê xuất khẩu… Với hướng đi đúng đắn và phù hợp với xu thế tất yếu của thị trường quốc tế này, tôi hy vọng trong một tương lai không xa, Đắk Lắk chắc chắn sẽ trở thành điểm đến của cà phê thế giới.
 
●Xin trân trọng cảm ơn ông!
 
Đỗ Lan (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


Chủ động ngăn ngừa “giặc lửa” tấn công rừng
Mùa khô Tây Nguyên đang bước vào giai đoạn cao điểm. Nắng nóng kèm theo gió lớn khiến thảm thực bì ở những cánh rừng khô nhanh làm tăng nguy cơ cháy rừng. Với phương châm “phòng cháy hơn chữa cháy” các ngành chức năng, chủ rừng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để phòng ngừa “giặc lửa” tấn công rừng.