Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nghi lễ cúng lúa mới của người M'nông Gar

10:24, 18/03/2019

Lễ cúng lúa mới của người M’nông Gar, buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi (huyện Lắk) vừa được tái hiện một cách sinh động và độc đáo trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Hằng năm, khi năm cũ sắp hết, năm mới đang đến, khi lúa rẫy đã về kho, mùa màng đã thu hoạch xong, mọi người dân trong buôn Jiê Yúk tổ chức Lễ cúng lúa mới nhằm tạ ơn thần linh, đất trời và cầu cho mưa thuận gió hòa. Lễ cúng lúa mới nằm trong chuỗi nghi lễ cúng vòng đời cây lúa từ khi gieo hạt đến khi lúa về kho gồm: Lễ cúng cắm cây nêu trên rẫy; Lễ cúng đã thu hoạch được một nửa diện tích và Lễ cúng lúa mới. Trong đó, Lễ cúng lúa mới được chuẩn bị kỳ công và mang đậm bản sắc của người M’nông Gar. Các lễ vật trong Lễ cúng lúa mới tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Song những lễ vật không thể thiếu gồm: kho lúa, cây nêu, ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo… Nếu cúng tập thể của cộng đồng dân cư thì có thể mổ trâu để cúng.

f
Thầy cúng và già làng thực hiện nghi lễ lấy huyết gà trộn vào bột gạo.

Để bắt đầu Lễ cúng lúa mới, gia chủ phải có thời gian chuẩn bị kỳ công, nếu cúng nhỏ chuẩn bị trong vòng 1 tuần, cúng lớn có khi thời gian chuẩn bị cả 1 tháng. Theo đó, mọi thành viên trong nhà đều được phân công từng nhiệm vụ cụ thể để chuẩn bị chu tất cho lễ cúng. Con trai sẽ đảm nhận việc bắt heo, gà và làm thịt, con gái nấu cơm, lột măng, giã bột gạo. Mọi công việc đều được mọi thành viên lo lắng làm từ sớm để khi bà con trong buôn đến mọi lễ vật đều có đầy đủ.

Thêm vào đó, những người tham gia lễ cúng cũng mang thêm lễ vật đến góp thêm với gia chủ. Các lễ vật này thể hiện tình cảm của khách đối với gia chủ, với mong muốn mọi thành viên trong gia đình đều có sức khỏe dồi dào, mùa màng bội thu.

d
Gia chủ làm thủ tục để chuẩn bị mời bà con dùng rượu cần trong Lễ cúng lúa mới.

Nghi thức cúng mừng lúa mới gồm 2 phần chính: cúng thần linh, thầy cúng sẽ cúng Yang đất, Yang núi, cầu cho cây lúa rẫy không bị sâu bệnh, cúng Yang trời cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình được mùa bội thu. Lễ vật tại nghi thức này gồm có: kho lúa, cây nêu, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, bột gạo; đồ vật dùng để trưng bày gồm: 1 cái nia, rổ đựng cơm, đồ chọc lỗ gieo hạt, giỏ tuốt lúa, nồi cơm, dao… Cùng với đó là các loại hạt giống cây trồng không thể thiếu của đồng bào M’nông Gar như lúa, đậu, dưa nước, dưa hấu, hạt ớt, hạt bầu. Trong nghi thức này, cúng xong già làng sẽ bôi máu gà lên tất cả các vật dụng trong nhà, nhỏ máu gà vào tô bột gạo, sau đó giao cho 2 người bôi lên cổ mọi thành viên trong gia đình, với ý nghĩa cầu chúc sức khỏe, hạnh phúc.

Tiếp theo đến nghi lễ cúng lúa mới, khi thịt gà, thịt heo đã chín và đồ ăn được bày đầy đủ ở khu vực cầu thang kho lúa, thầy cúng, già làng sẽ tiến hành làm lễ. Cúng xong, già làng được đưa một cái sừng trâu rót đầy rượu cần và một miếng cơm kèm thịt heo rồi đặt đồ ăn lên kho lúa và đổ rượu xuống kho lúa. Ở phía dưới kho, vợ già làng mời một người phụ nữ có uy tín trong dòng họ, đưa chén cơm có thịt heo, gà để hứng rượu từ kho lúa chảy xuống.

Sau đó, mọi người cùng ăn uống, kể chuyện, chúc nhau mùa lúa mới bội thu, nhà nhà tràn ngập niềm vui. Sau lễ cúng là hoạt động diễn tấu cồng chiêng và những điệu múa xoang của các nghệ nhân trong buôn, với những tiết mục vui tươi, rộn ràng thể hiện niềm vui được mùa của cộng động dân cư sau một mùa thu hoạch lúa như “Mừng lúa mới được mùa”, “Mừng mùa xuân mới”, “Hòa cùng nhịp xoang M’nông”...

Cuối cùng, sau khi mọi nghi thức kết thúc, mọi người có mặt tại lễ cúng cùng thưởng thức rượu cần, các món ăn truyền thống và hòa cùng nhịp xoang với các nghệ nhân.

f
Người dân buôn Jiê Yúk tái hiện nghi lễ cúng lúa mới tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019.

Việc duy trì các lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, trong đó có nghi lễ Cúng lúa mới của người M’nông Gar là hoạt động thiết thực góp phần duy trì, phát triển giá trị Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Kiệt tác Truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các hoạt động tại Lễ cúng lúa mới được tổ chức hằng năm chính là "bảo tàng sống" về văn hóa được lưu truyền từ bao đời nay của người M’nông Gar tại xã Đắk Phơi nói riêng, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung.

Buôn Jiê Yúk có 159 hộ, 876 nhân khẩu, trong đó người M’nông Gar chiếm hơn 97%. Cuộc sống của người M’nông Gar chủ yếu dựa vào nông nghiệp, canh tác nương rẫy là chính, do đó quan niệm tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, đặc biệt lễ hội chu kỳ cây trồng là một phần không thể thiếu trong đời sống của bà con, trong đó có Lễ cúng lúa mới.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.