Multimedia Đọc Báo in

Thu hút đầu tư vào du lịch: Những tiềm năng "vàng"

09:00, 12/03/2019

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 là sự kiện lớn nhất trong năm với nhiều chương trình hấp dẫn được người dân háo hức trông đợi. Đây cũng là dịp tỉnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút đầu tư, trong đó có du lịch - ngành kinh tế mà tỉnh đang tập trung đầu tư, phát triển.

Tiềm năng phong phú, sản phẩm du lịch đa dạng

Nằm về phía Tây Nam dãy Trường Sơn, Đắk Lắk có cấu tạo địa hình như một mái nhà phòng hộ, góp phần bảo vệ sinh thái cho vùng duyên hải phía Đông và vùng đồng bằng rộng lớn phía Nam. Thiên nhiên kỳ thú đã tạo cho Đắk Lắk có những tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ như Dray Nur (Krông Ana), Krông Kmar (Krông Bông), Thủy Tiên (Krông Năng)... cùng nhiều hồ lớn thơ mộng như hồ Lắk (Lắk), hồ Ea Kao (Buôn Ma Thuột), Đăk Minh (Buôn Đôn), hồ Ea Nhái (Krông Pắc) và các khu rừng nguyên sinh có hệ sinh học đa dạng như: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Kar...

Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột - điểm nhấn độc đáo của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 thu hút đông đảo người dân  và du khách đến tham quan.
Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột - điểm nhấn độc đáo của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 thu hút đông đảo người dân và du khách đến tham quan.

Bên cạnh du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lịch sử, cộng đồng cũng là tiềm năng lớn để thu hút đầu tư phát triển du lịch, bởi đây là nơi lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 47 dân tộc anh em cùng chung sống. Tính đến tháng 12-2018, toàn tỉnh có 32 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 17 di tích cấp Quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh. Các di tích này đang ngày càng thu hút du khách tham quan tìm hiểu về truyền thống lịch sử, phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào các dân tộc và nhân dân trong tỉnh. Sản phẩm du lịch  của Đắk Lắk vì vậy cũng khá đa dạng với nhiều loại hình như: du lịch trên hồ, sông nước; du lịch leo núi; du lịch hang động; du lịch dã ngoại, sinh thái (đi bộ xuyên rừng kết hợp đi voi); du lịch tham quan bảo tàng cách mạng, bảo tàng dân tộc, các di tích lịch sử; lễ hội văn hóa (hội voi, lễ hội đâm trâu, hội cồng chiêng, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng voi, lễ mừng nhà mới); du lịch nghiên cứu khoa học ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...

 
“Để hiện thực hóa mục tiêu Đắk Lắk trở thành 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn của cả nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề ra kế hoạch cụ thể: Xây dựng đề án trùng tu, tôn tạo một số di tích, nhất là di tích Quốc gia để bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với du lịch; khảo sát, lựa chọn một số buôn, làng truyền thống tiêu biểu để đầu tư khai thác và phát triển du lịch văn hóa; tổ chức biểu diễn các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tại các buôn du lịch cộng đồng, khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn một số lễ hội đặc trưng, tổ chức thường niên nhằm quảng bá, tạo thương hiệu cho du lịch Đắk Lắk như hội voi, lễ hội đua thuyền truyền thống; đua thuyền độc mộc. Đặc biệt, đưa Di sản văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên thành sản phẩm du lịch đặc thù, phục vụ khách tham quan khi đến với Đắk Lắk”.
 
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà

Cùng với tiềm năng phong phú đa dạng, mạng lưới giao thông kết nối giữa vùng miền và các tỉnh thành đến Đắk Lắk khá thuận lợi. Đây cũng là điều kiện khá lý tưởng để thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, lượng khách đến Đắk Lắk không ngừng tăng qua các năm. Riêng trong năm 2018, toàn tỉnh đón 812.000 lượt khách du lịch, tăng 15,5% so với năm 2017. Trong đó, khách quốc tế đạt 76.000 lượt, tăng 13,43%; khách trong nước đạt 736.000 lượt, tăng 15,72%; tổng doanh thu du lịch đạt 761 tỷ đồng, tăng 1,47% so với kế hoạch và tăng 24,75% so với năm 2017.

Hướng tới mục tiêu trở thành 10 điểm đến hấp dẫn của cả nước

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được cụ thể hóa để thực hiện trong từng giai đoạn, gồm giai đoạn 2012 - 2015 (Nghị quyết số 60/2012/NQ-HĐND ngày 6-7-2012 của HĐND tỉnh; Quyết định số 2199/QĐ-UBND, ngày 26-9-2012 của UBND tỉnh) và giai đoạn 2016 - 2020 (Nghị quyết số 06/2016/NQ-HĐND, ngày 30-8-2016 của HĐND; Quyết định số 3394/QĐ-UBND, ngày 15-11-2016). Đây được xem là nền tảng để ngành du lịch xây dựng những bước đi vững chắc trong việc hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Để du lịch Đắk Lắk ngày càng phát triển và sớm trở thành một trong những tỉnh trọng điểm về phát triển du lịch trong cả nước trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong tỉnh và tranh thủ sự hợp tác trong và ngoài nước, ngày 17-7-2017, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình Phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tỉnh đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, du lịch Đắk Lắk tăng trưởng bình quân 25%/năm và doanh thu đạt trên 1.300 tỷ đồng/năm; đến năm 2030, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với lợi thế về loại hình du lịch văn hóa – cộng đồng và sinh thái, cũng như trở thành 1 trong 10 điểm đến hấp dẫn của cả nước.

Du khách tham gia học làm quản tượng, một sản phẩm du lịch thân thiện với Voi của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Du khách tham gia học làm quản tượng, một sản phẩm du lịch thân thiện với Voi của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Có 8 giải pháp để thực hiện gồm: Tuyên truyền, đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Đắk Lắk có tính cạnh tranh cao, bền vững; quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ ngành du lịch; hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ngành kinh tế quan trọng này; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, cộng đồng làm du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

Cùng với tiềm năng vốn có, cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng, du lịch Đắk Lắk chắc chắn sẽ có nhiều triển vọng phát triển nhanh, vững chắc, trở thành địa danh du lịch hấp dẫn, lý tưởng, đầy hứa hẹn đối với du khách và doanh nhân ở khắp mọi miền đất nước.

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.