Multimedia Đọc Báo in

Nữ doanh nhân năng động

08:09, 23/09/2020

Sinh sống, lập nghiệp ở Đắk Lắk hơn 40 năm, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (phường Tân Hòa, TP. Buôn Ma Thuột) đã chứng kiến những nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ đang ngày càng mai một, đặc biệt là buôn Pak - một buôn cổ của người Êđê xưa ngay tại đầu nguồn suối Ko Tam giờ cũng không còn khiến lòng bà luôn trĩu nặng.

Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh, bà Nguyễn Thị Ngọc Anh đã đề xuất ý tưởng liên kết phát triển du lịch sinh thái. Bà đã kêu gọi và thuyết phục 21 nữ doanh nhân trong câu lạc bộ cùng hợp tác đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Ko Tam ngay tại địa điểm của buôn Pak cổ trước kia. Sau thời gian nỗ lực với quyết tâm cao, khu du lịch do bà làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc đã chính thức khai trương vào đúng dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ IV năm 2013.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh kiểm tra chất lượng rang xay cà phê để phục vụ du khách đến tham quan  tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Ko Tam.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh kiểm tra chất lượng rang xay cà phê để phục vụ du khách đến tham quan tại Khu du lịch sinh thái - văn hóa - cộng đồng Ko Tam.
 
“Có khát khao, nỗ lực và quyết tâm vươn tới ước mơ sẽ giúp mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ phát triển và hội nhập thành công trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt và đầy khó khăn như hiện nay”.
 
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh

Với ý tưởng kinh doanh gắn với giữ gìn môi trường sinh thái, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên, Ban Giám đốc công ty đã tập trung xây dựng các công trình kiến trúc theo kiểu dáng nhà dài truyền thống, các công trình, biểu tượng văn hóa đặc trưng như: Đồi tượng Quốc mẫu Âu Cơ, nhà bảo tàng lưu giữ hiện vật, sinh hoạt của đồng bào Êđê, tượng nhà mồ, bến nước; sưu tầm và trồng nhiều loại cây rừng, cây ăn trái, hoa, cỏ, dược liệu... để tạo không gian xanh. Cùng với đó, công ty cũng đã đăng cai tổ chức và mời các nghệ nhân tham gia hội thi tạc tượng gỗ dân gian, ẩm thực Tây Nguyên, khôi phục và tổ chức biểu diễn cồng chiêng ngay tại khu du lịch; liên kết với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các buôn Ko Tam, Kmrơng Prông A, Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức các tour du lịch cộng đồng.

Vốn là người năng động, nhạy bén trong kinh doanh, bà Ngọc Anh đã tập trung phát triển các khu vực trồng trọt, chăn nuôi ngay tại khu du lịch, vừa tạo cảnh quan, môi trường sinh thái bền vững, vừa tự cung tự cấp các sản phẩm sạch, duy trì việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhờ vậy, từ năm 2015 đến nay, khu du lịch đã đón 1,355 triệu lượt khách, nộp thuế hơn 4,43 tỷ đồng. Với việc tạo ra một địa chỉ “du lịch xanh”, công ty đã tạo việc làm ổn định cho 79 lao động địa phương, trong đó có 75% là người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ với mức lương trung bình 5,8 triệu đồng/người/tháng và việc làm thời vụ cho 30 đến 100 người tùy từng thời điểm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (bìa phải) thăm hỏi cuộc sống gia đình chị H'Nga Niê (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu).
Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh (bìa phải) thăm hỏi cuộc sống gia đình chị H'Nga Niê (buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu).

Không chỉ chú trọng phát triển sản xuất, kinh doanh, doanh nhân Nguyễn Thị Ngọc Anh còn là “nhịp cầu” kết nối các nữ doanh nhân chia sẻ trách nhiệm, tấm lòng nhân ái đối với cộng đồng. Bà đã huy động các thành viên trong Câu lạc bộ Nữ doanh nghiệp tỉnh đóng góp trên 2 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tặng bò sinh sản cho phụ nữ nghèo; thăm và tặng quà cho hộ nghèo, phụ nữ, trẻ em ở những vùng đặc biệt khó khăn, các đối tượng chính sách...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc