Multimedia Đọc Báo in

Dạy nghề cho nông dân: Vẫn còn nhiều khó khăn!

15:38, 26/07/2010

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được xem là “chìa khóa vàng” giúp nông dân chuyển đổi ngành nghề hiệu quả, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc dạy nghề cho lao động nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn…

Hiệu quả bước đầu
Thực hiện đề án đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân theo Nghị quyết Trung ương 7 về "Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn", thời gian qua, Hội Nông dân (HND) tỉnh đã phối hợp với các Huyện Hội, Phòng Kinh tế, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện mở các lớp dạy nghề phù hợp với đặc điểm từng địa bàn và nhu cầu của nông dân như: sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, sản xuất nấm ăn, trồng trọt, bảo vệ thực vật, dệt thổ cẩm... Chỉ tính từ đầu năm đến nay, HND tỉnh đã phối hợp với các đơn vị mở được 69 lớp đào tạo nghề cho 2.070 nông dân. Ông Nông Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân (HND tỉnh) cho biết: “Công tác phối hợp đào tạo nghề cho nông dân của Trung tâm được thực hiện theo hướng phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa bàn. Các lớp đào tạo nghề này luôn thu hút sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của các hội viên, số lượng học viên tham gia tăng dần qua từng năm và tỷ lệ học viên qua đào tạo có việc làm ngày càng cao”.
Nhờ có các lớp dạy nghề này, nhiều nông dân đã thay đổi thói quen làm theo cảm tính, mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Sau khi học xong lớp chăn nuôi thú y, chị Đặng Thị Danh, thôn Tân Thanh, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã có thêm nhiều kiến thức về chăm sóc, phòng và chữa các bệnh thông thường cho gia súc, gia cầm. Chị cho biết: “Lớp học trong ba tháng, vừa học lý thuyết vừa thực hành ngay tại chuồng nuôi nên chúng tôi rất dễ hiểu, dễ nhớ. Các lớp tập huấn trước đây có thời gian ngắn lại học toàn lý thuyết nên dễ quên, khó áp dụng". Cũng nhờ các lớp học trên, chị Thanh đã biết cách xử lý ấp gà đạt tỷ lệ sống 98%. Thời gian tới, gia đình chị sẽ mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô trang trại thay vì chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ như hiện nay.
Gia đình chị H’Boan Byă (buôn Niêng 1, xã Ea Nuôl) vừa kết hợp cả chăn nuôi heo, bò và làm cà phê  theo mô hình đa cây, đa con. Trước đây, do chưa có kiến thức về chăn nuôi thú y nên gia súc thường bị dịch bệnh chết, kinh tế gặp nhiều khó khăn. “Giờ được học rồi nên mình biết tiêm phòng dịch cho heo, bò. Nếu bị các bệnh thông thường thì tự chữa trị, còn gặp những bệnh khó thì gọi bác sĩ thú y chứ không buông xuôi như trước nữa”, chị H’Boan thổ lộ. Gia đình anh Ngô Đức Hòa (dân tộc Tày) ở thôn 5 (xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn) có 5 ha cà phê cách xa nhà hơn 7 km đường đất. Tuy có máy cày tay phục vụ cho việc chăm sóc, thu hái, vận chuyển sản phẩm nhưng do không có kiến thức cơ bản về máy móc nên anh không biết sửa mỗi khi máy hư hỏng giữa đường. Sau khi học xong lớp sửa chữa máy nông nghiệp và được cấp 1 bộ đồ nghề, anh Hòa đã tự sửa chữa được các lỗi hư hỏng thông thường vừa đỡ tốn kém chi phí lại tiết kiệm được thời gian. Anh Thành cho biết, anh dự định sẽ cùng với  một số học viên khác thành lập tổ sửa chữa máy nông nghiệp, vừa giúp bà con trong thôn vừa tăng thêm thu nhập.

Dạy nghề dệt thổ cẩm tại HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.
Dạy nghề dệt thổ cẩm tại HTX Dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột.

Vẫn còn nhiều khó khăn!
Tham gia các lớp dạy nghề cho nông dân, các học viên được đào tạo và cấp dụng cụ hành nghề miễn phí. Những đối tượng thuộc diện hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách còn được hỗ trợ 15.000 đồng/người/ngày thực học. Tuy nhiên, do địa bàn rộng, tình trạng phân bố lao động cũng như chất lượng lao động không đồng đều nên công tác đào tạo nghề còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Nhận thức về vấn đề việc làm của người nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa còn thấp, các học viên không đồng đều về trình độ, nên công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề học nghề, việc làm gặp trở ngại. Các nghề học chưa nhiều, chủ yếu là những nghề phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa chú trọng nhóm nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Quy mô và chất lượng dạy nghề cũng còn hạn chế, kinh phí dạy nghề chủ yếu dựa vào ngân sách Nhà nước; nguồn hỗ trợ của địa phương cho nông dân theo học nghề còn ít. Nhiều trường hợp đăng ký học nghề nhưng không tham gia hay nghỉ học, bỏ học giữa chừng, với những lý do rất đơn giản như nhà xa, bận việc gia đình... Một nguyên nhân nữa là do các học viên đều là những lao động chính trong gia đình, khi tham gia các lớp học, thời gian lao động giảm đi, ảnh hưởng đến thu nhập nên họ chưa chú trọng việc học nghề.
Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả thiết thực hơn nữa, nên chăng các cấp, ngành liên quan cần xác định rõ đối tượng, ngành nghề đào tạo, độ tuổi, học vấn, nhận thức, điều kiện học tập theo vùng, dân tộc để có hình thức đào tạo hợp lý nhằm nâng cao chất lượng lao động. Đầu tư xây dựng các trường, trung tâm dạy nghề đạt chuẩn về cơ sở vật chất, phương tiện và xây dựng giáo trình phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu. Quan trọng hơn cả, cần chú trọng khâu tạo việc làm và liên kết tìm đầu ra cho các sản phẩm của học viên sau mỗi khóa học.

 

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc