Hội thảo “ Xây dựng chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số”
22:29, 09/08/2010
Ngày 9-8, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ủy ban Dân tộc phối hợp UBND tỉnh Dak Lak tổ chức Hội thảo “Xây dựng chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số” khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và một số tỉnh Tây Nam bộ. Tham dự có đại diện Ban Chỉ đạo Tây Nguyên; lãnh đạo UBND, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Tây Nam bộ. Các đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phạm Đức Tùy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Dak Lak; Y Dhăm Ênuôl, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak chủ trì Hội thảo.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, Y Dhăm Ênuôl phát biểu ý kiến tại Hội thảo |
Đại biểu tỉnh Dak Lak tham gia thảo luận |
Góp ý xây dựng Đề án, các đại biểu đều thống nhất và khẳng định: Phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là hết sức cần thiết. Việc xây dựng chính sách đối với đối tượng này không chỉ là sự động viên, trân trọng, ghi nhận mà còn tạo điều kiện để họ phát huy khả năng trong cộng đồng và sự phát triển chung của xã hội.
Nhiều ý kiến được Ban soạn thảo Đề án đánh giá là khá cụ thể và xác đáng. Trong đó vấn đề được bàn thảo sôi nổi là có nên bỏ phiếu tín nhiệm người có uy tín? Hầu hết các ý kiến cho rằng không nên dùng hình thức bỏ phiếu bởi trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số, những người có tiếng nói gần như tự khắc sẽ được suy tôn.
Một trong các tiêu chí để được xác định là người có uy tín phải có tiềm lực về kinh tế và sức khỏe, theo đại biểu là không phù hợp vì thực tế nhiều người hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng vẫn được cộng đồng tín nhiệm.
Về đối tượng lựa chọn là người có uy tín, ngoài việc xây dựng những tiêu chí cụ thể đối với từng đối tượng, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm các đối tượng vào Đề án như doanh nhân, nghệ nhân, trí thức trẻ đang sinh sống tại buôn làng có trình độ, kiến thức khoa học… Đối tượng “thầy cúng, thầy mo, bà bóng” mà Đề án nêu lên, đại biểu đề nghị sửa lại là những người thực hành các nghi thức tín ngưỡng, để tránh sự hiểu lầm.
Về chế độ chính sách, theo các đại biểu cần quy định mức trợ cấp cụ thể và nếu có thể xây dựng thành mức lương cố định để thuận tiện trong việc áp dụng. Tuy nhiên theo giải trình của Ban soạn thảo: Những người có uy tín đóng vai trò hết sức quan trọng trong đoàn kết, tập hợp quần chúng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhưng không thể xây dựng mức lương cho họ vì không nằm trong định biên của nhà nước. Đó là chưa nói đến việc hằng năm phải tổ chức kiểm tra, rà soát, bình bầu lại bởi có thể thời điểm này họ được suy tôn nhưng thời điểm khác vai trò của họ lại có phần hạn chế và không được suy tôn. Cho nên chính sách đối với người có uy tín xây dựng trên quan điểm thống nhất trong cơ động. Trong vấn đề tổ chức thực hiện, một số đại biểu đề nghị Đề án nêu rõ việc chăm lo chính sách cho người có uy tín phải có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó giao trách nhiệm chính, nòng cốt là Ban Dân tộc các tỉnh.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Hoàng Xuân Lương phát biểu kết luận Hội thảo |
Kết thúc Hội thảo, đồng chí Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Trưởng ban soạn thảo chính sách đánh giá cao những ý kiến đóng góp của đại biểu và sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu để bổ sung, chỉnh sửa Đề án một cách phù hợp nhất.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc