Multimedia Đọc Báo in

Vụ bê bối tại FIFA: Nhiều quan chức cao cấp có liên quan

19:35, 22/10/2010
Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) đang điều tra các cáo buộc nhắm vào hai quan chức trong Ban Chấp hành của tổ chức này, được cho là có hành vi bán lá phiếu của FIFA bình chọn nhà đăng cai tổ chức giải World Cup 2018. Mặc dù quá trình điều tra của FIFA mới chỉ bắt đầu nhưng hai nhân vật trung tâm trong nghi án này vừa phải trả cái giá đầu tiên.
Vụ việc chỉ vỡ lở sau điều tra của các phóng viên từ tờ báo Anh, The Sunday Times. Trong vai những người vận động hành lang, họ đã đặt vấn đề rằng một tập đoàn gồm nhiều công ty Mỹ muốn mua lá phiếu của quan chức FIFA để đưa giải đấu tới Mỹ. Các phóng viên đã tiếp cận ông Amos Adamu, một quan chức Nigeria là thành viên Ban Chấp hành FIFA. Ông này bị cáo buộc nói với các phóng viên rằng ông muốn nhận tiền mặt để xây dựng các sân bóng ở Nigeria. Ông Adamu, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Tây Phi được cho là đã nói với các phóng viên vốn cải trang này, rằng ông muốn nhận được 800.000 USD (tương đương 500.000 bảng) để xây dựng bốn sân bóng đá cỏ nhân tạo. Hành vi này, nếu có, là hoàn toàn trái với quy định của FIFA. Tờ The Sunday Times cho thấy cảnh ông Adamu nói ông muốn được trả tiền để đổi lại bỏ phiếu ủng hộ cho Mỹ đăng cai World Cup. Trong đoạn băng video quay bí mật, ông Adamu đã được hỏi liệu tiền nhận được từ một "dự án tư nhân" có thể có hiệu lực trong việc ông sẽ bỏ phiếu hay không. Ông trả lời: "Đương nhiên, sẽ có hiệu lực. Bởi vì chắc chắn rằng nếu bạn đầu tư vào đó, có nghĩa là bạn cũng muốn có lá phiếu được bỏ..."
Amos Adamu (người Nigeria) đã bị tạm đình chỉ công tác
Amos Adamu (người Nigeria) đã bị tạm đình chỉ công tác
Một quan chức khác trong Ban Chấp hành của FIFA, ông Reynald Temarii, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Châu Đại Dương, cũng bị cáo buộc đã yêu cầu được nhận tiền liên quan tới lá phiếu bầu, để tài trợ cho một học viện thể thao. Amos Adamu (người Nigeria) và Reynald Temarii (Tahiti) đã bị tạm đình chỉ mọi công tác liên quan đến bóng đá cho đến khi những lời cáo buộc họ được làm sáng tỏ. Ngoài 2 thành viên Ủy ban Điều hành kể trên, FIFA còn áp dụng lệnh cấm tương tự với 4 cựu ủy viên điều hành gồm Slim Aloulou (Tunisia), Amadou Diakite (Mali), Ahongalu Fusimalohi (Tonga) và Ismael Bhamjee (Botswana). Bốn nghi phạm vừa kể cũng bị nghi ngờ liên quan đến scandal ăn hối lộ. Tổng thư ký FIFA Jerome Valcke khẳng định, từ giờ tới giữa tháng 11 LĐBĐ thế giới có đủ thời gian để làm rõ trắng - đen vụ việc có nguy cơ ảnh hưởng tới lịch trình bỏ phiếu chọn ra nước chủ nhà của VCK World Cup 2018 và 2022.
G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.