Multimedia Đọc Báo in

Ai Cập có nguy cơ bùng nổ bạo lực

11:16, 11/02/2011
Người biểu tình ở Ai Cập cảnh báo đất nước sẽ bùng nổ bạo lực và tìm mọi cách kêu gọi quân đội đứng hẳn về phe mình để "giải quyết nhanh" số phận chính trị của Tổng thống Mubarak.

Đêm 10-2, biển người tại Quảng trường Tahrir ở Cairo đã hào hứng trước niềm tin gần như chắc chắn rằng Tổng thống Mubarak sẽ từ chức ngay trong đêm trước sức ép của họ. Kịch bản ăn mừng được chuẩn bị sẵn và nhiều nhà quan sát nước ngoài cũng dự đoán rằng Mubarak sẽ ra đi sau 30 năm cầm quyền.
Người biểu tình dận dữ sau khi Tổng thống Mubarak tuyên bố không từ chức. Ảnh: AFP
Người biểu tình giận dữ sau khi Tổng thống Mubarak tuyên bố không từ chức. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã tuyên bố chuyển giao một số quyền lực tổng thống cho Phó Tổng thống Omar Suleiman. Ông khẳng định sẽ không từ chức tổng thống trước khi tiến hành các cuộc bầu cử vào tháng Chín tới.

Trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp trên toàn quốc, Tổng thống Mubarak cho biết sẽ không tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, đồng thời khẳng định không chấp nhận sự áp đặt của nước ngoài và không rời Ai Cập lúc này.

Tổng thống Mubarak đã đề nghị sửa đổi các điều 76, 77, 88, 93 và 189 trong Hiến pháp và đề nghị hủy điều 179 liên quan các trường hợp khủng bố. Ông cho biết sẽ dỡ bỏ luật khẩn cấp nếu tình hình an ninh cho phép, đồng thời trừng trị những kẻ đứng sau các vụ bạo lực trong hai tuần qua.

Đám đông biểu tình ở Cairo và khắp Ai Cập như bị dội một gáo nước lạnh và sự phấn khích chờ đợi chiến thắng của họ lập tức chuyển thành sự phẫn nộ.

Đảng Tagammu (đối lập) đã tuyên bố rút khỏi các cuộc đàm phán với Chính phủ, cho rằng cuộc đối thoại do Phó Tổng thống Suleiman khởi xướng không đáp ứng được những đòi hỏi tối thiểu của người dân và đảng này từ chối cách thức đối thoại của Chính phủ. Đảng Tagammu cũng chỉ trích việc Thủ tướng Ahmed Shafig không thành lập ủy ban điều tra vụ trấn áp an ninh xảy ra trong "Ngày phẫn nộ" 28-1.

Trong khi đó, điểm tựa của Tổng thống Mubarak là quân đội cũng đã có dấu hiệu đứng về những người biểu tình. Vài giờ trước bài phát biểu của ông Mubarak, Hội đồng Tối cao quân đội Ai Cập gồm các tướng lĩnh cấp cao do Bộ trưởng Quốc phòng Hussein Tantawi đứng đầu tuyên bố họ đã thực sự "dấn thân" để đảm bảo an ninh cho đất nước. Thông điệp này có tên gọi "Thông cáo số một" nên được hiểu như chỉ dấu về một cuộc đảo chính và đô đốc Tantawi cùng các tướng lĩnh đang nắm quyền kiểm soát đất nước.

Các tướng lĩnh Ai Cập còn phát đi thông điệp với đám đông hàng trăm nghìn người đang nêm chặt quảng trường Tahrir Cairo rằng tất cả yêu sách của họ sẽ sớm được đáp ứng. Tín hiệu này khiến người biểu tình vui sướng với ý nghĩ đã đến lúc chuẩn bị ăn mừng chiến thắng vì ông Mubarak sẽ từ chức ngay trong đêm. Nhưng những gì diễn ra sau đó lại hoàn toàn trái với tuyên bố của quân đội. Người biểu tình chỉ biết ôm đầu và phẫn nộ khi ông Mubarak lên truyền hình tuyên bố không từ chức. Sự rạn nứt và khác biệt giữa quân đội và Tổng thống Hosni Mubarak đã thực sự lộ rõ và đây có thể là bước ngoặt của tình hình hiện nay.

Mỹ cũng đã lộ rõ sự mất kiên nhẫn với Tổng thống Hosni Mubarak. Ngay sau thông điệp tại vị của ông Mubarak, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức ra tuyên bố thể hiện thái độ gay gắt nhất kể từ đầu cuộc biểu tình tại Ai Cập. Ông chủ Nhà Trắng không nêu đích danh Mubarak nhưng chỉ trích chính phủ Ai Cập đã không "thúc đẩy con đường tiến tới dân chủ một cách rõ ràng và đáng tin cậy", đồng thời có thái độ lập lờ với người dân.

Giới phân tích cho rằng tuyên bố của Obama thể hiện sự hết kiên nhẫn và thất vọng của Washington đối với Mubarak.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc