Multimedia Đọc Báo in

Năm 2011: Không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến

10:22, 11/02/2011

" Năm 2011, giá các hàng hóa, dịch vụ vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước với bước đi, lộ trình và thời điểm thích hợp, không để tăng giá đột biến nhằm hạn chế tác động bất lợi tới nền kinh tế và đời sống người dân"- đó là khẳng định của  Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh .

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Bộ Tài chính đã bàn tới rất nhiều biện pháp, trong đó có việc tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường. Nghĩa là, giá cả sẽ do thị trường điều tiết. Đó là việc tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, thông qua việc xây dựng Luật giá thay cho Pháp lệnh giá, bên cạnh việc sửa đổi và bổ sung các Nghị định của Chính phủ về thẩm định giá; xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, cơ chế xác định giá trong các lĩnh vực cụ thể…

Năm 2011, Bộ Tài chính sẽ iếp tục đổi mới cơ chế quản lý giá theo hướng thị trường, kiên quyết không để giá cả hàng hóa tăng đột biến.                   Ảnh minh họa

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chủ động thực hiện tốt công tác dự báo thị trường, giá cả trong và ngoài nước. Triển khai và thực hiện các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Pháp lệnh giá. Một trong những công việc của năm 2011 là phải chủ động thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước vào thời điểm thích hợp trong năm đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá như điện, than, nước sạch, đất đai, tài nguyên quan trọng, các loại giá dịch vụ… Tuy nhiên, lộ trình giá thị trường phải được gắn kết chặt chẽ với hoàn thiện hệ thống cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Cũng theo ông Vũ Văn Ninh, năm 2011, nhiệm vụ của Bộ Tài chính là tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu; tăng cường công tác quản lý thu, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách trên 5% so với dự toán. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách; kiên quyết loại trừ các khoản chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; cắt giảm các khoản chi không thực sự cần thiết, chưa thật cấp bách như hội họp, đi công tác nước ngoài... Trên cơ sở phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi, phấn đấu giảm bội chi ngân sách Nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, cần phải điều hành quản lý giá trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Thực hiện lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường vào thời điểm thích hợp đối với giá cả một số hàng hóa, dịch vụ Nhà nước còn định giá như: điện, than, đất đai, tài nguyên quan trọng... hoàn thiện về mặt cơ chế, chính sách nhằm từng bước thực hiện cơ chế giá dịch vụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục...

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm nữa mà Bộ Tài chính đặt ra trong năm 2011 là đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, các khoản vay, ứng chi của các cơ quan, đơn vị Nhà nước. Để thực hiện mục tiêu kiểm soát “Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%” mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính kiến nghị 6 biện pháp cụ thể, trong đó có việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xuất khẩu; đảm bảo tăng trưởng, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, quy hoạch hệ thống cung ứng hàng hóa, nhất là đối với một số sản phẩm và mặt hàng chủ yếu...
L.H (nguồn Công Thương Điện Tử)

 


Ý kiến bạn đọc