Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Thượng đỉnh Tài chính G-20 ở Paris

15:40, 19/02/2011
Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng các quốc gia nhóm G-20 đã khai mạc tối 18-2 tại điện Elysee, Thủ đô Paris, Cộng hoà Pháp.  

Trong bài diễn văn ngắn trước khoảng 50 quan chức là các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng của các quốc gia thành viên nhóm G-20 cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF),Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nêu bật các ưu tiên của Pháp trong nhiệm kỳ Chủ tịch nhóm G-20 năm nay. Đáng chú ý, trong bài diễn văn của mình, ông Sarkozy đã nhấn mạnh vai trò của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đối với nền kinh tế toàn cầu thời kỳ hậu khủng hoảng, coi IMF là “hòn đá tảng trong hợp tác tiền tệ quốc tế” trong tương lai và cho rằng IMF cần được gia tăng vai trò cũng như phương tiện tương xứng.
Tổ chức Hòa bình Xanh ở Canada biểu tình phản đối Hội nghị G-20
Tổ chức Hòa bình Xanh ở Canada biểu tình phản đối Hội nghị G-20

Bên cạnh các ưu tiên trong nhiệm kỳ chủ tịch nhóm G-20 của mình như xác định những bất cân bằng kinh tế vĩ mô của thế giới, cải tổ hệ thống tài chính thế giới, giảm thiểu tình trạng tăng giá nguyên nhiên liệu, Tổng thống Pháp Sarkozy cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ các nước nghèo và phát triển các dự án tài trợ cho các lĩnh vực đổi mới.

Riêng tại cuộc họp G-20 tại Paris lần này, nước chủ nhà Pháp chủ yếu muốn các đại biểu xây dựng một danh sách các chỉ số cho phép đo lường sự mất cân bằng kinh tế vĩ mô của thế giới trước khi thảo luận về các giải pháp. Tuy nhiên, ngay cả nhiệm vụ này cũng tỏ ra không hề dễ dàng, bởi sử dụng chỉ số nào và với mức độ nào trong số các chỉ số như: thâm hụt thanh toán vãng lai, nợ công, thặng dư thương mại, tỷ giá hối đoái… đều sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan và các quốc gia đều cố gắng để không phải nhượng bộ.

Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde cho rằng mặc dù quyết định các biện pháp có thể chỉ là vấn đề kỹ thuật, nhưng chúng cũng nhạy cảm chính trị.

Theo AFP, hiện các nước G-20 vẫn tiếp tục bất đồng về chương trình ổn định nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng và các biện pháp để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.

Các nhà phân tích kinh tế thế giới cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới tuy vẫn mong manh và không ổn định nhưng đã làm dịu những sức ép và các lo ngại đã từng thúc đẩy các nước G-20 hợp tác để loại bỏ các hiểm họa kinh tế và tài chính. Tuy nhiên, việc khủng hoảng nợ châu Âu tạm lắng dịu khiến châu Âu không còn tinh thần khẩn cấp trong giải quyết khủng hoảng.

Một lĩnh vực các nước G-20 khó đạt được thỏa thuận là phát triển các quy chế chung về cách thức và thời điểm xóa các hàng rào ngăn chặn dòng vốn nước ngoài đổ vào các nền kinh tế thị trường mới nổi. Các nước đang phát triển thuộc G-20 phàn nàn chính sách tiền tệ lỏng lẻo của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản khiến dòng vốn nước ngoài ồ ạt đổ vào nước họ khiến nền kinh tế quá nóng và lạm phát cao.

Đến nay, rất ít các nước G-20 tỏ ý ủng hộ chương trình đầy tham vọng do Pháp đề xuất với cương vị Chủ tịch G-20 nhằm thúc đẩy cải tổ hệ thống tiền tệ quốc tế, tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu, hạ thấp lạm phát và kiềm chế biến động của dòng vốn đầu tư xuyên biên giới.

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss - Kahn cảnh báo nếu G-20 biến thành câu lạc bộ giải trí, trong đó các thành viên chỉ đến Paris để du ngoạn mà không đạt được kết quả đáng khích lệ nào tại hội nghị này, thì những thành quả G-20 thúc đẩy trong 2 năm qua không còn ý nghĩa, thậm chí còn gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng mới.

G.N (Tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc