Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ:
Các bộ ngành, địa phương khẩn trương, linh hoạt, sáng tạo thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội
Ngày 18-3, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị.
Tỉnh Dak Lak tham gia Hội nghị trực tuyến |
Ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương đều chung một nhận định là Nghị quyết 11 được ban hành kịp thời, đúng đắn, đáp ứng các mục tiêu và yêu cầu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Các bộ, ngành cùng khẩn trương vào cuộc
Các bộ, ngành đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp chính sách nêu trong Nghị quyết. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước với các văn bản hướng dẫn thực hiện các giải pháp tiền tệ, tín dụng, lãi suất, bảo đảm tổng dư nợ tín dụng đến hết năm 2011 tăng dưới 20%, tăng cường quản lý ngoại hối, kiểm soát chặt chẽ thị trường vàng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát chi, phấn đấu giảm bội chi xuống dưới 5% GDP; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện các giải pháp về đầu tư phát triển như không ứng trước vốn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ năm 2012, không khởi công dự án mới, cắt giảm và điều chuyển vốn các dự án kém hiệu quả… Các Bộ quản lý ngành như Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông – Vận tải … đã hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tập trung bảo đảm sản xuất nông nghiệp kịp thời vụ, tăng dự trữ quốc gia về lương thực, khuyến khích xuất khẩu đồng thời với việc tăng cường kiểm soát nhập khẩu để giảm nhập siêu, bảo đảm nguồn hàng cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, giá cả… Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách an sinh xã hội nhất là đối với hộ nghèo.
Địa phương sáng tạo, linh hoạt trong các giải pháp thực hiện
Cùng với các bộ, ngành, tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình hành động và tập trung triển khai những nhiệm vụ cụ thể như giải pháp về tăng thu, chống thất thu, giảm chi tiêu ngân sách đối với những khoản chi tiêu chưa thật cần thiết; rà soát cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ; tăng cường quản lý thị trường và giá cả.
Bên cạnh việc thực hiện những giải pháp chung được Chính phủ đưa ra, từ thực tế nhiều địa phương có các cách làm sáng tạo, linh hoạt. Trong đó nổi lên là các nhóm giải pháp như huy động sức mạnh của đoàn thể, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát huy các tiềm năng, thế mạnh. Đơn cử như thành phố Hải Phòng và Cần Thơ, mặc dù sản xuất nông nghiệp không phải là chủ lực nhưng trong tình hình lạm phát tăng cao các địa phương này đã đặc biệt coi trọng. Cụ thể thành phố Cần Thơ đã tiến hành quy hoạch sản xuất lúa vụ thu đông, quan tâm đầu tư cho nông nghiệp; thành phố Hải Phòng thực hiện chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, tổ chức tập huấn cho nông dân để nâng cao chất lượng sản xuất. Theo phân tích của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, giải pháp đầu tư cho nông nghiệp trong bối cảnh này là quan trọng, hiệu quả có thể trúng được cả ba mục tiêu: tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bởi phần đông hộ nghèo sống ở khu vực nông thôn, sinh kế chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Đoàn kết, thống nhất, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong nỗ lực kiềm chế lạm phát cũng là giải pháp được Hội nghị quan tâm. Thành phố Hải Phòng hiến kế trong thực hiện giải pháp này bằng việc phát động phong trào thi đua yêu nước; thành phố Hồ Chí Minh với mô hình vận động hội viên các đoàn thể thực hiện chính sách tiết kiệm, cụ thể là tiết kiệm điện… Bên cạnh đó, một số địa phương tham gia ý kiến tại Hội nghị cũng đã đề xuất và đóng góp nhiều giải pháp: tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp để lắng nghe và kịp thời tháo gỡ khó khăn; thực hiện các chính sách tiết giảm công khai, minh bạch, công bằng nhưng không cào bằng để tiếp sức cho các doanh nghiệp làm ra nhiều sản phẩm thị trường đang có nhu cầu.
Tham gia ý kiến tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak Đinh Văn Khiết đề nghị Trung ương có chính sách hỗ trợ xăng dầu, điện cho nông dân trồng cà phê; có chính sách ưu đãi hỗ trợ lãi suất cho nông dân phát triển sản xuất. Hiện trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp vốn nước ngoài kinh doanh xuất khẩu cà phê có lợi thế về vốn, trong khi đó các doanh nghiệp của tỉnh gặp khó khăn nên rất cần sự hỗ trợ về tài chính.
Những kết quả bước đầu
Với những giải pháp đồng bộ, sự khẩn trương, sáng tạo, linh hoạt của các bộ ngành, địa phương, việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đem lại những kết quả tích cực. Trong quý I năm 2011, giá trị sản xuất công nghiệp ước tính tăng 14,7%, cao hơn mức tăng bình quân cả năm 2010; xuất khẩu ước cao gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Các hoạt động dịch vụ có tốc độ tăng trưởng 6,2%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Thu ngân sách Nhà nước đạt khá cao; tổng thu ngân sách hai tháng đầu năm tăng 17,6% so với cùng kỳ năm trước. Kinh doanh thu đổi ngoại tệ bước đầu đã lập lại trật tự theo các quy định của pháp luật; thị trường mua bán vàng miếng đang dần ổn định trở lại với mức giá giảm so với trước và dao động theo giá vàng thế giới.
Tuy nhiên, Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại cần tiếp tục tháo gỡ. Đó là việc chưa chủ động chuẩn bị các điều kiện để thực hiện giải pháp tăng cường quản lý ngoại tệ và vàng; chỉ số giá tiêu dùng vẫn còn tăng cao… Từ kết quả và kinh nghiệm triển khai, Hội nghị đã thống nhất các giải pháp để tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội là: tăng cường kiểm soát tổng dư nợ tín dụng; kiên quyết xóa bỏ kinh doanh ngoại tệ trái phép; đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường quản lý thị trường và giá cả; tổ chức thực hiện tốt quy định tiết kiệm 10% chi thường xuyên trong 9 tháng còn lại của năm 2011…
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc