Multimedia Đọc Báo in

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: Tổng thể chưa đạt được chỉ tiêu đề ra.

08:59, 28/04/2011

Ngày 27-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết Dự án 5 triệu ha rừng với sự tham gia của 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chủ trì Hội nghị.

Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng được thông qua bằng Nghị quyết ngày 8-5-1997 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa X. Mục tiêu của dự án là đẩy nhanh tốc độ trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chú trọng bảo vệ vốn rừng hiện có và rừng trồng mới, phát huy hiệu quả chức năng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái, đưa tỷ lệ che phủ lên trên 40% diện tích của cả nước; tạo ra vùng nguyên liệu gắn với sự phát triển của công nghiệp chế biến lâm sản; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho dân cư, góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất và ổn định đời sống, bảo đảm quốc phòng - an  ninh. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua 13 năm (1998-2010) thực hiện Dự án, kết quả đạt được cụ thể như sau: Về bảo vệ rừng, tổng diện tích khoán bảo vệ rừng đã thực hiện trên 2,4 triệu ha, bằng 120% mục tiêu của dự án, độ che phủ rừng của cả nước tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010, bình quân hằng năm tăng 0,62%. Về tạo rừng mới, cả nước đã trồng được 2.450.010 ha/3 triệu ha kế hoạch. Về việc hình thành các vùng nguyên liệu khai thác chế biến lâm sản, công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã có bước phát triển với nhiều ngành, nhiều thành phần kinh tế tham gia bao gồm trên 1.200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với tổng công suất chế biến khoảng 4 triệu m3 gỗ tròn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD năm 2010. Hiệu quả về mặt xã hội, dự án đã thu hút một lượng lớn lao động nông thôn, đặc biệt là đồng bào vùng núi, dân tộc thiểu số làm giàu từ việc đầu tư phát triển rừng, góp phần xóa đói giảm nghèo ổn định đời sống, củng cố an ninh quốc phòng. Đến năm 2010 đã có 1.249.602 hộ gia đình tham gia Dự án, trong đó gần 40% là hộ nghèo.

a
Phát triển, bảo vệ rừng có ý nghĩa đặc biệt đối với môi trường sinh thái (Ảnh: Gia Thịnh)

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng thẳng thắn nhận định: Sau 13 năm thực hiện Dự án, về tổng thể chưa đạt được chỉ tiêu đề ra ban đầu. Minh chứng là diện tích rừng tuy có tăng về số lượng và tổng trữ lượng rừng cũng đã tăng lên nhưng chất lượng và tính đa dạng sinh học rừng của một số trạng thái rừng tự nhiên tăng chậm, thậm chí ở nhiều khu rừng còn bị suy giảm. Ở nhiều nơi, rừng tự nhiên vẫn chưa được quản lý, bảo vệ tốt, chịu sức ép phá rừng, khai thác rừng trồng trái phép và chuyển đổi mục tiêu sử dụng kể cả việc chuyển thành rừng trồng. Một số địa phượng thuộc vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Bắc tình trạng phá rừng vẫn diễn ra gay gắt; rừng tự nhiên tiếp tục giảm do chuyển đổi mục đích sử dụng sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, làm thủy điện, thủy lợi khai thác bất hợp pháp, đốt rừng làm nương rẫy. Ngành công nghiệp chế biến lâm sản tuy phát triển nhanh nhưng chưa vững chắc, nguồn gỗ nguyên liệu chưa ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu.

Đồng tình với nhận định này, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng phân tích thêm: Nguyên liệu cho chế biến chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, điều đó liên quan đến chất lượng phát triển rừng; rừng vẫn bị xâm chiếm, chặt phá, dẫn đến tình trạng đất trống đồi trọc, vậy con số rừng trồng được cụ thể ở đâu và xác định ai là chủ thì chưa được làm rõ. Những điều này chứng tỏ công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều kẽ hở, bất cập.

a
Tình trạng đốt rừng làm nương rẫy vẫn diễn ra ở nhiều địa phương (Ảnh: Gia Thịnh)

Thảo luận về những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án, thay mặt điểm cầu Dak Lak, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hiếu đề nghị cần có quan điểm và cách nhìn nhận đúng về các công ty lâm nghiệp, phải xem các công ty lâm nghiệp vừa là doanh nghiệp kinh doanh, vừa là đơn vị công ích. Theo đó, cần có cơ chế chính sách cho các công ty lâm nghiệp như: được vay vốn ưu đãi, thuế thu nhập doanh nghiệp để lại cho doanh nghiệp tái tạo rừng. Ông cũng đề nghị cần xử lý nghiêm hơn để đủ sức răn đe đối với các vụ vi phạm lâm luật. Băn khoăn với phân tích của Phó Thủ tướng, điểm cầu Lai Châu đề nghị trong giai đoạn 2011-2015 Chính phủ cho phép lập đề án rà soát việc giao đất giao rừng để làm rõ diện tích rừng thực tế cũng như trách nhiệm của chủ quản lý khai thác bảo vệ rừng.

Một chính sách phù hợp hơn cho các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, bố trí hỗ trợ vốn để trồng rừng cũng là kiến nghị của nhiều địa phương nhằm tạo tính liên tục của Dự án.

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc