Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị giao ban trực tuyến về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm:

Hoàn thiện hệ thống các văn bản, tăng hiệu lực xử phạt vi phạm VSATTP

21:51, 14/04/2011
 
Ngày 14-4, Chính phủ tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân điều hành Hội nghị (ẢNh: H.G)
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân điều hành Hội nghị (Ảnh: H.G)

Cùng với nhiều hệ thống văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Trung ương, thời gian qua, các bộ, ngành đã có sự phối kết hợp và vào cuộc quyết liệt nhất là trong công tác thanh tra, hậu kiểm, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Đó là kết quả nổi bật qua báo cáo của đồng chí Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, trình bày tại Hội nghị. Cụ thể, tại các địa phương đã thành lập hơn 5.000 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về VSATTP ở tất cả các tuyến. Qua đó đã phát hiện hơn 31 nghìn cơ sở vi phạm. Số vụ ngộ độc giảm 9% trên quy mô toàn quốc. Những hạn chế cũng được chỉ rõ trong quá trình triển khai công tác này. Đó là hậu thanh tra kiểm tra khi phát hiện vi phạm xử lý chưa nghiêm, “mở đường” để tái phạm. Việc thực hiện, ra quân ráo riết trong công tác này cũng mới chỉ tập trung cao điểm khi phát động Tháng hành động.

Để bảo đảm an toàn thực phẩm phải bảo đảm an toàn trên cả chuỗi thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn. Bất kỳ khâu nào không bảo đảm an toàn đều có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn đối với người sử dụng. Ở Việt Nam, quá trình chọn giống, sản xuất chế biến, vận chuyển và kinh doanh nông sản, thực phẩm hiện chủ yếu ở quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó khăn trong khâu kiểm soát nguồn gốc và nguyên liệu thực phẩm. Với phân tích này, thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu trước Hội nghị một trong những biện pháp được đánh giá đem lại hiệu quả, góp phần quản lý chặt chẽ được nguồn nông sản ,thực phẩm cung ứng cho sản xuất và tiêu dùng tại thành phố cũng như trên cả nước, đó là mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi. Nội dung quản lý được thực hiện từ khâu giống, sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Kết quả, hiện thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng và công nhận được các chuỗi thực phẩm như chuỗi trứng gà, chuỗi rau củ quả, chuỗi thịt heo và đang xây dựng thẩm định một số chuỗi như trà an toàn, thuỷ sản…   

Cùng với đô thị lớn thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội tập trung thực hiện công tác VSATTP bằng việc kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, không bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn. Với nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho các cơ sở, hộ gia đình được vay vốn ưu đãi, hoạt động giết mổ trên địa bàn các quận nội thành của Hà Nội về cơ bản đã được chấm dứt, xoá bỏ. Các cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung đã bảo đảm cơ bản VSATTP như sử dụng dây chuyền giết mổ cơ khí, có kho lạnh, xe chuyên dùng, hệ thống xử lý nước thải đang dần được hoàn thiện theo tiêu chuẩn, có sự kiểm soát chặt chẽ của ngành thú ý. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân: Đây là mô hình hiệu quả, xoá bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ, gây ô nhiễm nhưng vẫn có tính đến lợi ích của các cơ sở, tạo điều kiện để họ không bị mất nghề. Phó Thủ tướng đề nghị thành phố Hà Nội báo cáo chi tiết cho Ban Chỉ đạo Trung ương để gửi các địa phương tham khảo.

Đầu cầu Dak Lak (Ảnh: H.G)
Đầu cầu Dak Lak (Ảnh: H.G)

Đối với Dak Lak, ngoài việc đẩy mạnh công tác kiểm tra, hậu kiểm, một trong những cách làm được đánh giá là sáng tạo của địa phương để góp phần bảo đảm VSATTP là xây dựng mô hình điểm VSATTP để từ đó đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Cụ thể ở tuyến tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xây dựng mô hình phòng ngừa ngộ độc thực phẩm tại 14 trường mầm non trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột, mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm các dịch vụ nấu ăn lưu động trên địa bàn huyện Krông Pak; tuyến huyện triển khai 25 mô hình gồm: 19 mô hình thức ăn đường phố, 4 mô hình bếp ăn tập thể trường học và 2 mô hình khu du lịch.

Với giải pháp thực hiện kiểm soát thực phẩm gia súc gia cầm qua tuyến biên giới, theo các đại biểu công tác này là cần thiết. Tuy nhiên, đầu cầu Lạng Sơn đề nghị khi thực hiện kiểm soát cần tính đến cơ chế phối hợp giữa các quốc gia dọc biên giới. Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đề nghị trên rất đáng chú ý và Trung ương sẽ nghiên cứu, xem xét.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo cụ thể công việc đối với từng bộ ngành Trung ương cũng như yêu cầu Ban Chỉ đạo các địa phương tập trung cao độ hơn nữa cho công tác này. Trong đó Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: Trong Quý II năm nay, các bộ ngành liên quan phải rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản để tăng hiệu lực xử lý vi phạm VSATTP; hoàn chỉnh đề án truyền thông về ATTTP; tăng cường công tác thanh tra cả về chỉ tiêu và định lượng…

Đàm Thuần

 

 


Ý kiến bạn đọc