Multimedia Đọc Báo in

Nhân Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011:

Vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ: Cần một cách quản lý hữu hiệu hơn

08:58, 19/04/2011

Nhắc đến chợ là nhắc đến đầu mối cung cấp thực phẩm cho người dân. Song, từ nhiều năm nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại các chợ trên địa bàn tỉnh lại phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người kinh doanh. Thực phẩm đa dạng, phong phú là điều dễ nhận thấy ở hầu hết các chợ, nhưng có bảo đảm VSATTP hay không thì chỉ người bán mới biết và quyền lợi của người tiêu dùng dường như đang bị lãng quên…

Lâu nay, chợ Tân An (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) được xem là chợ đầu mối cung cấp thực phẩm cho người dân và tiểu thương kinh doanh tại nhiều chợ nhỏ trên địa bàn thành phố và các huyện, thị. Là chợ đầu mối nên chợ Tân An hoạt động suốt cả ngày đêm với nguồn thực phẩm rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, đặt chân vào chợ này, điều khiến nhiều người ngạc nhiên không phải là sự phong phú của thực phẩm mà là sự ô nhiễm môi trường. Giữa thời tiết nắng nóng, hàng loạt thứ mùi từ sống đến chín cộng với mùi của rác thải, nước thải bốc lên khiến không ít người phải nhăn mặt, bịt mũi khi vào mua hàng. Đặc biệt, tại khu vực kinh doanh cá, tôm và các hải sản khác, nước rửa thực phẩm mặc nhiên được các tiểu thương đổ lênh láng không một chút bận tâm khiến cho đường đi lúc nào cũng ngập ngụa nước như vừa sau cơn mưa. Đáng lo ngại hơn cả là tình trạng thực phẩm được bày bán ngay trên mặt đất, mặc cho người qua lại bụi bặm và ruồi nhặng bủa vây. Có lẽ, với những tiểu thương ở đây, chỉ cần bán được hàng còn bày biện trên kệ hay lót ni lông trải dưới đất thì cũng như nhau cả… Còn tại chợ Ea Tam, thuộc phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột) vấn đề VSATTP còn bị các tiểu thương xem nhẹ đến mức có thể bày bán thực phẩm chín ngay bên cạnh thực phẩm sống mà không cần che đậy. Không những thế, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua thực phẩm chín, người bán có thể dùng ngay dao thớt vừa cắt thực phẩm sống để phục vụ. Mặc dù khu vực kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn (bún, bánh, chè, cháo…) đã được phân định nằm riêng biệt với khu vực thực phẩm tươi sống, thế nhưng, điều dễ nhận thấy ở hầu hết các quán ăn trong chợ Ea Tam là sự cẩu thả và coi thường quy định về VSATTP. Tại đây, chuyện người bán dùng tay trần bốc thức ăn cho thực khách, hay những cái tô, chén, ly vừa dùng cho khách này chỉ cần tráng qua tráng lại trong chậu nước “lờ lờ nước hết” rồi lau khô là có thể dùng cho người khách sau. Mất vệ sinh là thế, nhưng các quầy hàng này vẫn thu hút được rất đông khách, âu cũng là điều dễ hiểu, bởi chợ Ea Tam nằm gần Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Cao đẳng sư phạm Dak Lak nên sinh viên đến mua sắm, ăn uống khá đông, mà với sinh viên thì chỉ cần ngon và rẻ là được còn mất vệ sinh một chút cũng có thể cảm thông…

Khu vực kinh doanh rau, củ và thịt cá của chợ Tân an lúc nào cũng lầy lội nước như đang giữa mùa mưa.
Khu vực kinh doanh rau, củ và thịt cá của chợ Tân an lúc nào cũng lầy lội nước như đang giữa mùa mưa.

Dạo qua một vài chợ khác trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, tình trạng ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không khác hai chợ nói trên là bao. Điểm chung dễ nhận thấy tại các chợ là ý thức chấp hành các quy định về VSATTP của các hộ kinh doanh chưa cao, hầu hết đều vì lợi nhuận mà không quan tâm đến khách hàng. Với họ, sản phẩm thực phẩm bán cho người tiêu dùng chỉ cần hội đủ yếu tố đẹp, giá cả hợp lý là được còn có bảo đảm VSATTP hay không thì chỉ có kiểm tra mới biết. Riêng vấn đề rác thải, nước thải, hầu hết tiểu thương kinh doanh trong các chợ đều có chung một suy nghĩ, hàng tháng đều đóng tiền dọn vệ sinh cho Ban quản lý chợ đương nhiên việc dọn dẹp giữ gìn vệ sinh là do Ban quản lý chợ lo, còn họ chỉ cần lo việc kinh doanh, buôn bán thôi.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra VSATTP năm 2010, các sản phẩm thực phẩm được đưa ra tiêu thụ tại các chợ đầu mối rất đa dạng, phong phú, song việc giám sát chất lượng VSATTP lại chưa được kiểm soát chặt chẽ và có hệ thống. Cụ thể, qua kiểm nghiệm 40 mẫu rau, củ, quả và 40 mẫu thịt các loại được lấy tại các chợ, toàn bộ mẫu rau, củ, quả đều không đạt chất lượng VSATTP, bởi tất cả các mẫu đều có hàm lượng nitrat lớn (trên 10.000 mg/kg), cao gấp nhiều lần so với mức cho phép của Tổ chức Y tế thế giới (1.500 mg/kg), thậm chí một số mẫu còn nhiễm Coliforms và E.coli gây bệnh tiêu chảy. Đồng thời, chỉ có 15 mẫu thịt các loại đạt chất lượng VSATTP, số mẫu còn lại hầu hết đều bị nhiễm Coliforms, E.coli và vi khuẩn hiếu khí. Ngoài ra, với các mặt hàng đồ khô như tiêu, cà phê, đường… những tưởng việc mất VSATTP sẽ ít hơn, thế nhưng qua kiểm nghiệm cho thấy 100% mẫu đường đang bán tại các chợ đều không đạt VSATTP do có lượng tạp chất không tan trong nước quá cao so với ngưỡng giới hạn; 90% mẫu tiêu không đạt VSATTP do có tạp chất lạ và có hàm lượng tro trên 6%... Không những thế, báo cáo kết quả kiểm tra VSATTP năm 2010 còn nêu rõ, ở các chợ đầu mối, tuy có Ban quản lý chợ nhưng việc theo dõi, nắm bắt các thông tin liên quan đến vấn đề VSATTP còn rất hạn chế. Nhiều tiểu thương trong chợ còn kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc và không đảm bảo VSATTP, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng nhưng Ban quản lý chợ vẫn chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả cũng như thông báo cho cơ quan chức năng biết để xử lý. Thậm chí, ở một số chợ hoàn toàn không có Ban quản lý chợ, mọi hoạt động buôn bán do các hộ kinh doanh trong chợ tự quản lý. Do đó, nguy cơ thực phẩm được bày bán trong chợ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là khá cao và đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng.

Quả thực, lâu nay, vấn đề VSATTP tại các chợ vẫn được ngành chức năng giám sát với cách làm quen thuộc “kiểm tra- phát hiện sai phạm - xử phạt”. Cách làm này dường như không còn mang lại hiệu quả, bởi với những tiểu thương kinh doanh tại các chợ, chuyện đóng phạt một chút rồi đâu lại vào đấy vẫn “còn rẻ chán” so với việc đầu tư mua sắm dụng cụ và thực hiện đúng quy định VSATTP. Thiết nghĩ, khi các dịch bệnh tiêu chảy cấp, cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp thì vấn đề bảo đảm VSATTP tại các chợ ngày càng trở nên bức thiết hơn. Việc làm thế nào để vấn đề VSATTP tại các chợ được thiết lập và thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả rất cần sự quản lý hữu hiệu hơn từ ngành chức năng.

 

Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc