Multimedia Đọc Báo in

Viện Kiểm sát kháng nghị phúc thẩm vụ án “Hủy hoại rừng” khai thác đá Thạch anh

15:22, 25/11/2011
Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lak có quyết định Kháng nghị hình phạt bản án hình sự sơ thẩm số: 27/2011/HSST ngày 4 – 11- 2011 của TAND huyện Lak xét xử Phạm Đình Thành (SN 1977), trú tại thôn Ngã 3, xã Dak Liêng, huyện Lak  về tội “Hủy hoại rừng”.
Theo nội dung của bản án, đầu tháng 7-2010, mặc dù chưa được cấp có thẩm quyền cho phép nhưng Phạm Đình Thành đã thuê xe ô tô, máy múc và nhân công tự ý vào khoảnh 2, 4, 6 tiểu khu 1338 (thuộc rừng Đặc dụng do Ban Quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa - Môi trường hồ Lak quản lý), san ủi đất mở đường để khai thác trái phép đá Thạch anh. Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 9.840m 2, gây thiệt hại về lâm sản và môi trường hơn 100 triệu đồng.
 
Hiện trường Phạm Đình Thành tổ chức hủy hoại rừng để khái thác đá Thạch Anh trái phép
Hiện trường Phạm Đình Thành tổ chức hủy hoại rừng để khái thác đá Thạch anh trái phép

Án sơ thẩm, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Thành 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về lâm sản và môi trường là 100.064.660 đồng.

Mới đây, Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lak có quyết định Kháng nghị hình phạt bản án hình sự sơ thẩm số 27/2011/HSST ngày 4 – 11- 2011 của TAND huyện Lak về tình tiết giảm nhẹ theo điểm k khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự và tăng hình phạt tù đối với bị cáo Phạm Đình Thành. Quyết định này cũng đề nghị TAND tỉnh Dak Lak xét xử vụ án nêu trên theo thủ tục phúc thẩm để cải sửa án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt và không cho bị cáo Phạm Đình Thành được hưởng án treo.

Theo quan điểm của Viện Kiểm sát, trong bản án này, HĐXX đã áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm k khoản 1 Điều 46 của Bộ luật Hình sự cho rằng bị cáo Thành phạm tội do “lạc hậu” là không đúng.
Nhận định của Viện Kiểm sát về khái niệm “lạc hậu” là: không theo kịp đà tiến bộ, đà phát triển chung của xã hội, tức là chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội do lạc hậu” nếu sự lạc hậu đó là do nguyên nhân khách quan đưa lại như: do đời sống sinh hoạt xã hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng nên không hiểu biết hoặc kém hiểu biết về pháp luật ; không được học tập, không có điều kiện thực tế để nhận biết đúng sai...
Ngược lại, bị cáo Phạm Đình Thành có trình độ học vấn 6/12, bản thân bị cáo là chủ của một hộ kinh doanh khai thác, mua bán đá mỹ nghệ, đá khối, đá chẻ, đá xây dựng. Trong khi đó, hành vi phạm tội của bị cáo Thành là rất nghiêm trọng và nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm minh, tăng hình phạt để cách ly bị cáo ngoài xã hội một thời gian nhất định thì mới đạt được mục đích cải tạo, giáo dục riêng và răn đe phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội.
                            Việt Cường

Ý kiến bạn đọc