Mong ước làng nghề
15:04, 06/01/2012
Những ngày cuối năm, nhịp sống của người dân vùng ven Buôn Ma Thuột trở nên tất bật, rộn ràng hơn. Những vùng trồng rau, nuôi cá, nuôi hươu…thành danh như Tân Tiến, Ea Kao và Cư Êbur đã bắt đầu vào vụ thu hoạch cuối cùng trong năm. Sản phẩm của họ làm ra chứa đựng biết bao mồ hôi và công sức. Nghe người sản xuất tâm sự về chuyện sản xuất, tiêu thụ hàng hóa của mình trong thời buổi cạnh tranh gay gắt này mới biết sự nhọc nhằn vất vả của người làm ra sản phẩm…
Từ vùng rau...
Vùng trồng rau nổi tiếng của Buôn Ma Thuột gồm các phường Tân Tiến, Ea Tam, Hòa Xuân, Hòa Phú… lâu nay là nơi cung cấp lượng rau xanh chủ yếu cho gần 36 vạn dân ở đô thị này. Nhiều người đánh giá rau xanh ở đây có chất lượng không thua kém gì vùng rau Đà Lạt, Đức Trọng (Lâm Đồng), vậy mà cho đến nay, nó chưa thâm nhập được vào siêu thị, hoặc các chợ đầu mối để phân phối cho thị trường. Chị Lại Thị Lan, hộ trồng rau lâu năm ở khối 8 - phường Tân Tiến cho biết: Hơn 80 ha chuyên canh các loại rau ở địa bàn này được trồng và bán theo kiểu “tự sản, tự cung” nhỏ lẻ, chứ không thể liên kết lại thành vựa hàng hóa tập trung để chia sẻ với nhu cầu thị phần rau xanh trong và ngoài tỉnh. Một phần là do không có thành phần trung gian (hoặc tư thương, hay doanh nghiệp) đóng vai trò kích thích sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, khiến qui mô, danh tiếng của rau xanh Buôn Ma Thuột bị hạn chế. Phần cũng vì rau ở đây chưa được sản xuất theo tiêu chuẩn nào cả nên người tiêu dùng còn e dè; rau không cạnh tranh được với các vùng rau khác có chứng nhận VietGAP. Muốn làm rau sạch, an toàn và có chứng nhận về mặt chất lượng để tăng giá trị, hiệu quả kinh tế từ rau, nhưng không biết phải xoay xở như thế nào và phải bắt đầu từ đâu, đành chấp nhận thua thiệt.
Sản xuất rau an toàn theo sự chỉ dẫn của cơ quan khuyến nông (thông qua Dự án cạnh tranh nông nghiệp) như thế này vẫn còn xa lạ với nông dân các vùng ven đô thị Buôn Ma Thuột |
Phòng Kinh tế TP. Buôn Ma Thuột cho hay: Từ khi khởi động Dự án cạnh tranh nông nghiệp Dak Lak, nhiều địa phương đã bắt đầu tham gia sản xuất rau sạch và an toàn theo chứng nhận ViêtGAP. Trong 6 vùng (trong đó có TP. Buôn Ma Thuột) được quy hoạch sản xuất rau sạch, thì hiện nay cái khó nhất ở đây là vấn đề nguồn nước tưới và sự liên kết các hộ trồng rau lại với nhau nhằm áp dụng thống nhất qui trình sản xuất theo yêu cầu đặt ra thật sự gặp khó khăn. Đã làm rau sạch thì phải có nguồn nước sạch; muốn hàng hóa có số lượng nhiều, đúng phẩm cấp thì phải xây dựng vùng rau rộng lớn… Tất cả điều đó đang là thách thức với nền nông nghiệp sạch trên địa bàn Buôn Ma Thuột. Hiện thành phố có hơn 400 ha trồng rau, nhưng lại phân bố dàn trải, nhỏ lẻ và xen lẫn trong các vùng dân cư ven đô nên rất khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN-PTNT phân tích: Việc quy hoạch, bố trí lại vùng trồng rau theo hướng hàng hóa có phẩm cấp, có chứng nhận là rau an toàn (VietGAP) cần phải được tính toán hợp lý, bền vững hơn. Ngoài cây cà phê, thì ngành trồng trọt-chăn nuôi, trong đó có rau quả… nếu được quy hoạch và phát triển một cách phù hợp, chắc chắn sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho bộ phận cư dân sản xuất nông nghiệp ở đô thị này.
Đến làng nuôi hươu
Người nuôi hưu lấy nhung ở làng Châu Sơn (xã Cư Êbur – TP. Buôn Ma Thuột) cũng từng ấp ủ ước mơ tạo dựng thương hiệu “Nhung hươu Châu Sơn”. Xoay quanh chuyện “cây con” thôi, nhưng dưới góc nhìn của người trong cuộc, nghe ra cảm thấy chạnh lòng. Vợ chồng chị Lưu Thị Quế tâm tình: Ngoài cà phê ra, xứ Châu Sơn còn nổi tiếng với nghề nuôi hươu lấy nhung hơn chục năm nay. Và cũng nhờ nghề này mà những năm cà phê mất giá, đời sống của bà con không đến nỗi nào. Cứ mỗi năm hai lượt cắt nhung, bình quân mỗi con hươu cho năm, bảy ký là có thể trang trải chi phí trong gia đình. Ngặt một điều là đến nay đàn hươu ở đây vẫn không phát triển được nhiều hơn. Cả xã Cư Êbur mới có khoảng 1.100 con. Mặc dù người dân rất có nhu cầu, nhưng không lấy đâu ra vốn để mua giống, rồi còn kỹ thuật chăn nuôi, thú y nữa… tất cả không có tổ chức, cơ quan nào đứng ra làm “bà đỡ”, người dân phải tự xoay xở trong cái nghề mới mẻ này. Ông Hoàng Xuân Di và Hoàng Vũ Trúc đều cho rằng: Nhà nước luôn khuyến khích người nông dân đa dạng hóa vật nuôi, cây trồng, trong đó đặc biệt hướng tới nền sản xuất hàng hóa để làm giàu cho chính mình và cho xã hội. Song, khi nhìn vào thực tế nuôi hươu lấy nhung ở đây mới thấy sự bất cập. Bởi nhiều lần những hộ nuôi hươu ở địa phương muốn bắt tay nhau và hợp tác làm ăn để có thể lo toan mọi thứ: từ vốn liếng, con giống, kỹ thuật… cho đến việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm mục đích “nâng cấp” và tạo dựng thương hiệu cho “Nhung hươu Châu Sơn” vươn ra thị trường cả nước, nhưng tiếc là ước mơ ấy, không thực hiện được vì chưa được quan tâm, giúp đỡ. Ông Di và ông Trúc ái ngại: “Thú thật, chẳng nói gì xa vời, lỡ ra đàn hươu có bệnh gì lạ cũng chẳng biết kêu ai, bà con tự mày mò chữa lấy. Ước chi ngành thú y của tỉnh, thành phố về mở một vài lớp tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc cho đàn hươu thì hay biết mấy. Xa hơn nữa, nếu được Nhà nước cử người về thẩm định chất lượng nhung hươu, rồi xúc tiến quảng bá giúp bà con bán mua theo hướng có lợi nhất trên thị trường. Cũng một loại nhung như thế này, nhưng ở Nghệ An, Hà Tĩnh người ta bán với giá 5,5- 6 triệu đồng/kg, ở Châu Sơn này chỉ khoảng 4,5 triệu đồng/kg. Hỏi vì sao, bà con cho biết ngoài đó nghề nuôi hươu lấy nhung ở một số vùng đã tiến lên thành lập hợp tác xã, được quan tâm thường xuyên, nhất là các khâu chăm sóc, khai thác và tiêu thụ hàng hóa… luôn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan có trách nhiệm, nhờ thế mà họ có lợi thế trong tiêu thụ sản phẩm.
Nhiều hộ sản xuất rau, đậu các loại ở phường Khánh Xuân không theo quy chuẩn nào cả. Họ làm theo kiểu “tự sản tự tiêu” nhỏ lẻ |
Bà con nông dân vùng rau TP. Buôn Ma Thuột cũng như làng nuôi hươu Châu Sơn đang rất mong được ngành nông nghiệp và các ban ngành liên quan giúp đỡ để sản phẩm của họ thực sự mang giá trị hàng hóa, đến được nhiều thị trường trong tỉnh và cả nước…
Đình Đối
Ý kiến bạn đọc