Multimedia Đọc Báo in

Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát về 1 con số

15:12, 05/02/2012

Ngày 4-2-2012 , Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 1-2012, thảo luận về tình hình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 1-2012; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; báo cáo tình Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012…

Ảnh minh họa (L.N)
Ảnh minh họa (L.N)

Chính phủ nhận định: Trong tháng 1-2012, các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, quy định về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán. Kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định và có chuyển biến tích cực, nhân dân cả nước đón tết an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Hàng hóa dồi dào, dịch vụ phong phú, giá cả hợp lý. Tổng mức bán lẻ tăng 22% nhưng CPI tháng 1-2012 chỉ tăng 1% so với tháng trước (đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ của 3 năm gần đây). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1-2012 giảm 12,9% so với tháng 12-2011 và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2011 có lý do vì thời gian nghỉ tết cổ truyền dài (9 ngày); gieo cấy lúa đông xuân và một số cây hoa màu mới đạt trên 95%. Tuy nhiên, có một số sản phẩm có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ là thủy hải sản chế biến tăng 10,2%, khai thác dầu thô và khí tự nhiên tăng 9,4%, thức ăn gia súc tăng 5,5%,...; kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD bằng 88,9% so với cùng kỳ năm 2011, kim ngạch nhập khẩu khoảng 6,6 tỷ USD bằng 81,3% so với cùng kỳ năm 2011. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong dịp tết được giữ vững, an ninh biên giới, lãnh thổ tiếp tục bảo đảm …

Ảnh minh họa (L.N)
Ảnh minh họa (L.N)

Dự báo năm 2012 kinh tế thế giới còn khó khăn hơn, Chính phủ thống nhất, trong tháng 2 và các tháng tiếp theo cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp, chính sách chủ yếu sau: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã đề ra trong các Nghị quyết của Quốc hội, các Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2012 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2012. Ưu tiên thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát về 1 con số, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ linh hoạt, chặt chẽ, từng bước hạ lãi suất, đồng thời có các chính sách thuế, phí hợp lý để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm để làm cơ sở ổn định vĩ mô, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân. Khẩn trương chỉ đạo sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là bảo đảm kế hoạch sản xuất công nghiệp và thời vụ sản xuất nông nghiệp ngay từ đầu năm mới Nhâm Thìn 2012. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là các ngành có giá trị gia tăng cao, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên đầu tư, tạo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tranh thủ các lợi thế về ổn định kinh tế - xã hội để tiếp tục thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn bên ngoài (ODA, FDI, FII, kiều hối), nhất là khi các nhà đầu tư đang tìm cơ hội đầu tư ở các nước mới nổi; tập trung thu hút khách du lịch quốc tế.

Ảnh minh họa (L.N)
Ảnh minh họa (L.N)

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, trong đó tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu mà dù bị khủng khoảng nhưng các thị trường quốc tế vẫn có nhu cầu, để vừa phát triển kinh tế, vừa tạo công ăn việc làm cho nhân dân và góp phần ổn định xã hội. Phát triển thị trường trong nước với nhiều biện pháp tăng sức mua của người dân, đưa hàng hóa, dịch vụ về nông thôn, phát triển các hình thức tín dụng tiêu dùng, đổi mới các kênh thu mua, phân phối hàng hóa dịch vụ theo hướng hiệu quả, chống đầu cơ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, bảo đảm VSATTP... Từng bước nâng cao mức tiêu dùng nội địa trong cơ cấu GDP, hỗ trợ cho phát triển xuất khẩu cạnh tranh hơn, bền vững hơn. Đẩy nhanh hoàn thiện các Đề án tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước một cách đồng bộ và hiệu quả. Đảm bảo vốn đầu tư vào những công trình thiết yếu phục vụ dân sinh và sản xuất, trong đó ưu tiên hỗ trợ vốn cho xuất khẩu, bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA (nhất là các dự án hạ tầng cơ sở), đầu tư cho nông nghiệp gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động, đầu tư vào khuyến nông, vào hạ tầng nông nghiệp để phát triển nhiều loại sản phẩm có hiệu quả cao hơn…

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc