Dùng dằng câu quan họ
Chưng cất, gói gọn tất cả những gì là tinh túy, đặc sản, các liền anh liền chị của Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh đã đưa khán giả tham dự Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 về miền quan họ với phong tục, lề lối hát canh truyền thống.
Một không gian đậm chất Kinh Bắc với đèn dầu, chum sành, tiếng ễnh ương, khung cửi… được tái hiện.
Những tiết mục mở màn, hát không nhạc đệm đã giúp người nghe cảm nhận được cái thần thái, cái “vang, dền, nền, nảy” chân thực nhất của quan họ cổ, để rồi dùng dằng, bị hút hồn với “Em là con gái Bắc Ninh”, “Công tôi lội suối trèo non”.
Nếu đại ngàn là không gian diễn xướng tuyệt vời nhất cho cồng chiêng Tây Nguyên, để cồng chiêng âm vang hơn bất cứ nơi nào thì cây đa, bến nước, sân đình, những lễ hội làng chính là mảnh đất thích hợp nhất để tiếng hát quan họ nồng nàn, thăng hoa. Ở Kinh Bắc, mùa xuân là mùa của lễ hội. Một không gian ngày hội xuân ở làng Diềm – ngôi làng cổ, có Đền Vua Bà – Thủy tổ quan họ, được mở ra rất đỗi yên bình để rồi cứ thế người xem say đắm chìm vào những làn điệu quan họ.
Có lẽ khác biệt với nhiều loại hình âm nhạc khác, sức hút, độ bám rễ thâm sâu của quan họ không đơn thuần chỉ ở những lời ca, âm sắc đẹp mà còn đặc trưng, ấn tượng, dùng dằng người ở kẻ đi bởi áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao; cái e lệ, thẹn thùng, duyên dáng từ khóe miệng, lúng liếng từ ánh mắt. Tất cả đã làm nên duyên quan họ.
Trong quy ước của quan họ, những làng quan họ đã kết chạ với nhau thì liền anh liền chị không được lấy nhau. Có phải vì thế mà tiếng hát của người quan họ thêm đậm đà, nồng nàn, khao khát; tình người quan họ thêm da diết, lưu luyến chẳng muốn chia xa sau mỗi canh hát. Và cứ thế mỗi hội xuân quan họ qua đi, liền anh liền chị lại khắc khoải trong nỗi nhớ mong “em biết đến bao giờ họp mặt đôi sánh đôi”.
Đàm Gia
Ý kiến bạn đọc