Chú trọng giải quyết hàng tồn kho, hỗ trợ vốn cho DN phát triển
Theo Chính phủ, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng đầu năm 2012 tiếp tục chuyển biến đúng hướng, đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện, song vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Hàng tồn kho lớn khiến nhiều DN không còn vốn để quay vòng sản xuất (Ảnh minh họa) |
Đáng kể nhất là chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng chỉ bằng 64,6% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tháng 8-2012 thấp hơn so với tháng 7-2012. Việc xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng (NH) vẫn chưa chuyển biến tích cực; diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ vẫn khá phức tạp. Khu vực doanh nghiệp (DN) vẫn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ nguồn vốn thấp; sức mua của thị trường trong nước thấp; chỉ số tồn kho tuy có giảm song vẫn còn ở mức cao; số DN giải thể, ngừng hoạt động vẫn tăng; tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra; thu ngân sách nhà nước đạt thấp…
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt và có hiệu quả các giải pháp, chính sách đã đề ra. Trong đó tập trung thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP tháo gỡ khó khăn hỗ trợ DN, tạo môi trường cho phát triển sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nhưng không làm bất ổn kinh tế vĩ mô và lạm phát tăng cao trở lại. Chú trọng hỗ trợ DN giải quyết hàng tồn kho để bước vào chu kỳ sản xuất kinh doanh mới; có biện pháp hiệu quả giải quyết nợ để các DN có thể từng bước quan hệ tín dụng bình thường trở lại với các NH; tập trung hỗ trợ các DN trong nước tăng xuất khẩu trở lại, nhất là các mặt hàng chủ lực; quản lý tốt thị trường trong nước...
Chính phủ yêu cầu NH cần áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN (ảnh minh họa) |
Điều hành chính sách giá cả linh hoạt, hiệu quả; kiểm soát chặt chẽ các loại giá, phí ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm tăng chi phí đầu vào của sản phẩm. Nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Nâng cao chất lượng xúc tiến thương mại và đầu tư; mở rộng thị trường, đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sản xuất từ nguyên liệu trong nước. Nâng cao chất lượng để tăng giá trị với nhóm hàng sản xuất truyền thống không có điều kiện tăng nhiều về khối lượng, đặc biệt là nông, lâm, thuỷ sản. Chú trọng triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu gắn với chống gian lận hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng; chú trọng về các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Xác định mức độ ưu tiên tiếp cận ngoại tệ đối với các nhóm hàng không thiết yếu khi cho vay nhập khẩu. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thị trường, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng gây sốt giá ảo. Bảo đảm chất lượng và giá cả các mặt hàng thiết yếu, nhất là giá sữa, giá thuốc chữa bệnh cho người, thuốc bảo vệ động, thực vật, phân bón,... và giá cả nguyên vật liệu là đầu vào cho hoạt động sản xuất. Nhân rộng sản xuất lúa theo mô hình “cánh đồng mẫu lớn”; xây dựng phương thức hỗ trợ thu mua nông sản, thủy sản phù hợp, bảo đảm lợi ích của người sản xuất; có chính sách hỗ trợ thu mua cá tra và gia súc, gia cầm. Đẩy mạnh việc phát triển kho trữ lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung kiện toàn tổ chức và đầu tư trang thiết bị, phương tiện cho lực lượng kiểm ngư; đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các công trình phòng, chống lụt bão, chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai.
NH cần áp dụng cơ chế linh hoạt để tăng khả năng tiếp cận vốn của DN nói chung; nhất là các DN vừa và nhỏ, chú trọng các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ... Tăng mức cấp tín dụng cho khu vực nông nghiệp nông thôn với lãi suất thấp. Đẩy mạnh việc triển khai tái cơ cấu các NH thương mại, xử lý nợ xấu. Tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát NH và điều hành chính sách tiền tệ để bảo đảm an toàn hệ thống. Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, hướng tới mục tiêu ổn định giá trị của VNĐ…
L.N
Ý kiến bạn đọc