Ưu tiên giải quyết các mục tiêu vì trẻ em trong chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội
Theo thống kê, đánh giá của UBND tỉnh, Dak Lak hiện có khoảng 5 nghìn trẻ em khuyết tật, tàn tật; hơn 65 nghìn trẻ em sống trong các gia đình nghèo. Tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột sức lao động đối với trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Việc quy hoạch, đầu tư và quản lý các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em chưa được quan tâm đầy đủ. Ở một số địa bàn, môi trường sống chưa thực sự bảo đảm an toàn và phù hợp để trẻ em phát triển toàn diện. Một số quyền của trẻ em chưa được thực hiện tốt; chất lượng giáo dục còn chênh lệch lớn giữa vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số với thành thị.
Chăm sóc, giáo dục trẻ em, nền tảng ban đầu là gia đình và cộng đồng nơi trẻ em sinh sống |
Để xây dựng môi trường sống an toàn, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể, chọn mục tiêu ưu tiên chăm sóc trẻ em phù hợp với từng giai đoạn và đặc thù của từng địa phương, đơn vị.
Nhiều giải pháp trọng tâm đã được đưa ra, trong đó trước hết là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đối với công tác này nhằm thực hiện những mục tiêu như: Giảm đến mức thấp nhất trẻ em bỏ học, giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, phòng ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, chăm sóc trẻ em khuyết tật; tạo cơ hội và khuyến khích sự tham gia của trẻ em vị thành niên vào các hoạt động của cộng đồng; phát triển điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí cho các em...; ưu tiên giải quyết các mục tiêu vì trẻ em trong chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội.
UBND tỉnh cũng nhấn mạnh đến giải pháp tăng cường đầu tư nguồn lực; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Kiện toàn củng cố đội ngũ cán bộ, đội ngũ cộng tác viên đặc biệt là ở cấp cơ sở, hình thành mạng lưới bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng. Đến năm 2013 mỗi xã, phường, thị trấn có một biên chế cán bộ chuyên trách phụ trách và chậm nhất đến năm 2015 mỗi thôn, buôn, tổ dân phố có một cộng tác viên về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc