Hội nghị Báo chí tuyên truyền vùng Tây Nguyên:
Nhiều vấn đề “nóng” cần tập trung phản ánh
Sáng ngày 2-10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức Hội nghị Báo chí tuyên truyền vùng Tây Nguyên để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực trong 9 tháng qua. Tại hội nghị, nhiều vấn đề “nóng” mà dư luận đang quan tâm đã được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra thảo luận, xem xét và định hướng thông tin cho báo chí.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 9 tháng đầu năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội toàn vùng Tây Nguyên có nhiều mặt chuyển biến tích cực. Chính quyền các tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tập trung chỉ đạo và thực hiện khá tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã được triển khai đồng bộ, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hỗ trợ lưu thông hàng hóa và xuất khẩu. Nhờ đó, tổng sản phẩm GDP toàn vùng đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2011. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục ổn định và có sự chuyển biến tích cực. Lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế… cũng được quan tâm đầu tư và phát triển khá đồng bộ.
Nhiều vấn đề "nóng" đã được Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra thảo luận tại hội nghị |
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay vẫn còn một số vấn đề “nóng”, cần có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn nữa của Chính phủ cũng như các bộ, ngành liên quan.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với vùng Tây Nguyên chính là kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 14. Giao thông chậm cải thiện đã ảnh hưởng lớn đến phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Phần lớn các tuyến đường đã xuống cấp, nhiều nơi bị ách tắc trong mùa mưa nhưng lại thiếu kinh phí duy tu bảo dưỡng…
Một trong những vấn đề đáng quan tâm nữa là công tác quản lý bảo vệ rừng. Theo thống kê, trong 9 tháng qua, toàn vùng đã xảy ra khoảng 5.000 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó khoảng 200 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp và phá rừng, gây thiệt hại 415 ha rừng. Nhiều vùng rừng phòng hộ đầu nguồn đã bị tàn phá nghiêm trọng. Một số vùng đệm, vùng lõi của các Khu bảo tồn, Vườn quốc gia như: Yok Đôn, Nam Kar, Ea Sô, Cư Yang Sing, Nam Nung, Tà Đùng… bị chặt phá, lấn chiếm làm nương rẫy.
Xây dựng thủy điện và những tác động tiêu cực đến đời sống xã hội cũng là một trong những vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, bên cạnh những vướng mắc liên quan đến đền bù, tái định cư…, một số công trình thủy điện đã gây nên nhiều tác động xấu về môi trường và xã hội. Cụ thể đó là việc chuyển dòng để tăng hiệu suất phát điện của một số công trình đã gây thiếu nước cho sản xuất và đời sống người dân vùng hạ lưu. Một số thủy điện chưa phối hợp tốt với địa phương xây dựng quy trình hợp lý cũng gây khó khăn cho khu vực hạ lưu. Đáng lưu ý là các công trình thủy điện đã ảnh hưởng khá nhiều đến tài nguyên đất và rừng, khiến tập quán sinh hoạt và sản xuất của đồng bào các dân tộc thiểu số ở nhiều vùng dự án bị đảo lộn.
Đồng chí Trương Minh Thắng, Tổng biên tập Báo Dak Lak phát biểu ý kiến tại hội nghị |
Riêng về ngành sản xuất và xuất khẩu cà phê trên địa bàn cũng đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề bất ổn. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trên địa bàn đang lâm vào tình trạng nợ nần, thua lỗ, phá sản do không đủ nguồn lực đầu tư, thiếu kinh nghiệm và thông tin dự báo thị trường, bị cạnh tranh bất lợi vì lãi suất cao và đối phó với mạng lưới thu mua hiệu quả của các công ty nước ngoài.
Ngoài ra, việc quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do vẫn đang là vấn đề rất bức xúc ở nhiều tỉnh Tây Nguyên. Ở các tỉnh hiện vẫn còn hàng nghìn hộ dân sống tạm bợ, ở sâu trong các khu rừng, đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm nên dẫn đến tình trạng phá rừng, săn bắn trái phép, tranh chấp đất đai với người dân địa phương…
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên thì những nội dung nêu trên đều là những vấn đề nổi cộm, đáng quan tâm. Từ đầu năm đến nay, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã chủ động báo cáo với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tích cực phối hợp và làm việc trực tiếp với các bộ, ngành Trung ương để bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, sớm có giải pháp giải quyết để Tây Nguyên ngày càng ổn định, phát triển bền vững.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Việt Hùng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đánh giá cao các cơ quan báo chí trên địa bàn Tây Nguyên thời gian qua đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong công tác thông tin, tuyên truyền, đồng thời mong muốn báo chí tích cực hơn nữa trong thông tin, đặc biệt là cần thâm nhập, bám sát cơ sở để thông đầy đủ, toàn diện hơn.
Ghi nhận vai trò và tiếng nói của các cơ quan báo chí, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhấn mạnh: Báo chí đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhanh việc ban hành các cơ chế chính sách, góp phần đưa chủ trương chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống, phục vụ công cuộc phát triển vùng Tây Nguyên nói riêng và đất nước nói chung.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cần phải đặt công tác tuyên truyền về Tây Nguyên trong bối cảnh chung của cả nước. Việc đưa thông tin chống tiêu cực là cần thiết, tuy nhiên các cơ quan báo chí cần cân nhắc thời điểm, thời lượng cũng như phương thức phản ánh để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền của báo chí.
Một trong những vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền cũng rất đáng quan tâm chính là sự “nhầm lẫn” giữa quy chế người phát ngôn với việc cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổng biên tập Báo Dak Lak Trương Minh Thắng cho rằng: hiện tại có nhiều nơi vẫn hiểu sai về quy chế phát ngôn, gây khó khăn cho việc tiếp cận thông tin của nhà báo. Do đó, cần phải phân biệt rạch ròi giữa vai trò của người phát ngôn và việc cung cấp thông tin, tài liệu cho báo chí. Có như vậy thì nhà báo mới dễ dàng tiếp cận thông tin, phục vụ và nâng cao được hiệu quả công tác tuyên truyền.
Đồng ý với quan điểm này, ông Trần Việt Hùng khẳng định: việc cung cấp thông tin cho báo chí và người phát ngôn là hoàn toàn khác nhau, không nên nhầm lẫn. Ông Hùng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương cần có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn nữa việc cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo Luật Báo chí, bảo đảm cho nhà báo tiếp cận được nguồn thông tin chính thống, kịp thời, nhằm phục vụ tốt nhất nhiệm vụ tuyên truyền của các cơ quan báo chí.
Việt Cường
Ý kiến bạn đọc