Multimedia Đọc Báo in

Phấp phỏng nỗi lo trắng tay vì... tiêu

21:33, 30/10/2012

Là cây trồng đem lại giá trị kinh tế cao, nhiều nông dân khá mặn mà với cây hồ tiêu. Nhưng trước loại bệnh tiêu chết nhanh, hàng loạt, xuất hiện trong vài năm trở lại đây và hiện vẫn chưa có biện pháp phòng trừ hữu hiệu, không ít người trồng tiêu ở xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo phấp phỏng nỗi lo trắng tay vì tiêu...

Chỉ còn chừng 3 tháng nữa là đến kỳ thu hoạch vụ mùa đầu tiên nhưng 5 sào tiêu với tổng số 500 trụ của gia đình ông Hoàng Văn Hảo ở thôn 5A, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo bỗng dưng chết hàng loạt, không cách gì cứu chữa nổi... Vừa đốt những dây tiêu đã chết khô, ông Hảo chua xót cho biết: trước đây trên diện tích 5 sào này, ông trồng cà phê. Nhưng thấy tiêu được giá, cà phê thì năng suất kém do chu kỳ kinh doanh đã khá lâu nên ông cải tạo đất chuyển sang trồng tiêu. 3 năm trồng, chăm sóc, không tính tiền công xá, ngoài số vốn của gia đình, vay mượn thêm ngân hàng 150 triệu đồng với lãi suất 19%/năm, ông đã đầu tư vào đây ngót nghét 300 triệu đồng. Trong suốt thời kỳ sinh trưởng, vườn tiêu của gia đình ông thuộc diện xanh tốt nhất trong thôn 5A, ai vào thăm quan cũng  tấm tắc khen. Ông Hảo nhẩm tính cứ với đà phát triển ấy, ông sẽ nắm chắc một vụ tiêu bội thu, trừ mọi chi phí cũng thu về 100 triệu đồng. Nào ngờ, một tháng nay, các trụ tiêu bắt đầu có hiện tượng héo lá, rồi trong vòng 10 ngày chết khô hàng loạt. Vợ chồng ông tìm đủ mọi cách, ai mách gì làm nấy, hết đổ vôi, xịt thuốc, rồi bơm nước, chi phí chữa bệnh cho tiêu lên đến 20 triệu đồng mà rồi cuối cùng cũng chỉ là công cốc. Khoản nợ ngân hàng thì chưa trả, tiền bán tiêu thì chưa thu được một đồng nào. Ông Hảo thở dài: “Chỉ mong ngân hàng sẽ giảm lãi, kiểu này chắc phải tính đường quay lại trồng cà phê...”.

Các trụ tiêu chết khô, ông Hảo xót xa khi phải dỡ hết dây rồi đốt
Các trụ tiêu chết khô, ông Hảo xót xa khi phải dỡ hết dây rồi đốt

Thấy vườn tiêu của gia đình ông Hảo như vậy, nhiều hộ dân quanh vùng cũng phấp phỏng lo lắng. Ông Lê Văn Duẩn ở thôn 5B chia sẻ: Với 5 sào tiêu trong vườn, một ngày ông ra vườn không biết mấy lần, chú ý theo dõi kỹ xem vườn tiêu nhà mình có hiện tượng gì khác lạ không để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Ông ăn không ngon ngủ không yên, trông từng ngày đến độ tiêu được thu hái.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hiao Nguyễn Xuân Trọng, thời gian gần đây, thấy hồ tiêu được giá, đem lại lợi nhuận cao, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển từ trồng cà phê sang trồng tiêu. Từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu đã tăng thêm 40-50 ha, nâng tổng diện tích tiêu của toàn xã lên khoảng 130 ha. Về hiện tượng tiêu chết nhanh, hàng loạt, gia đình ông Hảo ở thôn 5A không phải là cá biệt. Những niên vụ trước đây, một số vườn tiêu cũng đã xuất hiện loại bệnh này, trong đó có cả diện tích tiêu mới trồng, đang vào giai đoạn phủ trụ, chưa cho thu hoạch. Điển hình là trường hợp của hộ ông Thắng ở thôn 6, có đến 1.200 trụ tiêu chết khô, mặc dù gia đình ông đã dùng nhiều biện pháp để cứu vườn tiêu.

Trước loại bệnh quái ác này trên cây tiêu, nông dân trồng tiêu vẫn luôn mong mỏi các nhà khoa học sẽ sớm công bố những biện pháp phòng trị hữu hiệu để họ không phải “đánh bạc”  cùng cây tiêu như thế...

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.