Multimedia Đọc Báo in

Về việc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An tự ý bán hồ thủy lợi: UBND tỉnh Dak Lak chỉ đạo thu hồi các hồ, đập đã bán

08:57, 28/11/2012

Chiều 27-11, ông Huỳnh Ngọc Bình, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Dak Lak cho biết: UBND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo xử lý việc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An tự ý bán một số hồ, đập thủy lợi cho cá nhân.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN& PTNT tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành các bước yêu cầu Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An thu hồi lại tất cả 10 hồ, đập đã bán. Cũng theo chỉ đạo của UBND tỉnh, nếu cần thiết sẽ có chế tài xử lý Công ty về việc tự ý bán các hồ, đập này theo quy định của pháp luật. Sau khi đã thu hồi các hồ, đập, tỉnh sẽ có chỉ đạo các bước tiếp theo để xử lý vụ việc theo đúng quy trình.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 20-11, Sở NN&PTNT đã có báo cáo gửi Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNN) và UBND tỉnh về việc Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) tự tiện bán các hồ, đập của công ty đang quản lý cho một số cá nhân (Báo Dak Lak điện tử đã thông tin). Theo báo cáo này thì từ năm 2008 đến 2010, Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An đã sang nhượng tổng cộng 10 hồ, đập thủy lợi cho cá nhân thu về số tiền 892 triệu đồng.

Theo Sở NN&PTNN: việc công ty quan niệm các hồ, đập là tài sản cố định và được quyền sang nhượng để thu hồi vốn là không đúng với các quy định hiện hành. Bởi lẽ, các công trình này phải do tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp quản lý, khai thác và bảo vệ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi các hợp đồng sang nhượng các hồ, đập giữa công ty và các hộ dân để giao lại việc quản lý, khai thác công trình đúng theo quy định; đồng thời có hình thức xử lý đối với các cá nhân, đơn vị vi phạm.

V.H
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.