Multimedia Đọc Báo in

Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn: Vẫn còn không ít khó khăn

08:02, 28/11/2012

Hiện nay, tỉnh ta có tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi cao và đứng thứ 2 trong cả nước (chỉ sau Kon Tum). Mặc dù chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em đã được đẩy mạnh ở các tuyến từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn, song, để cải thiện tình trạng này vẫn còn không ít khó khăn.

Theo Trung tâm Chăm sóc bà mẹ trẻ em tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi của tỉnh đang đứng ở mức cao so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước, tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng trên tuổi là 25,6% và suy dinh dưỡng chiều cao trên tuổi là 35,5%. Những con số về các thể SDD trẻ em dưới 5 tuổi nói trên được coi là thách thức rất lớn đối với ngành chức năng và toàn xã hội về tính bền vững và chất lượng dân số của tỉnh trong tương lai. Bác sĩ Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tỉnh cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ, nhưng với tỉnh ta, một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân. Trên thực tế, kinh tế của các hộ gia đình, đặc biệt là các gia đình ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất thấp, lại sinh nhiều con, nên điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ càng hạn chế; nhiều gia đình có điều kiện kinh tế nhưng phương pháp nuôi dạy trẻ thiếu khoa học; đặc biệt, không ít bà mẹ chưa nắm được những kiến thức chăm sóc trẻ cơ bản... dẫn đến trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng.

Điều kiện kinh tế khó khăn cùng với tập quán đẻ nhiều, đẻ dày khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng  trẻ em ở nhiều địa phương trong tỉnh luôn nằm ở mức cao.  (Ảnh chụp 1 gia đình tại thôn 13, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).
Điều kiện kinh tế khó khăn cùng với tập quán đẻ nhiều, đẻ dày khiến tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em ở nhiều địa phương trong tỉnh luôn nằm ở mức cao. (Ảnh chụp 1 gia đình tại thôn 13, xã Cư Kbang, huyện Ea Súp).

Để giảm tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi, những năm qua các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đã được tỉnh triển khai khá mạnh mẽ và rộng khắp, bao phủ 100% số xã, phường, thị trấn trên địa bàn với nhiều hình thức và nội dung phong phú. Cụ thể, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp đến tận thôn, buôn về phòng chống suy dinh dưỡng, tư vấn, hướng dẫn người dân kiến thức thực hành dinh dưỡng; bố trí các loại áp phích có tác dụng hướng dẫn về chế độ ăn uống sao cho đủ vi chất, cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, vệ sinh trong ăn uống và treo tranh hướng dẫn dinh dưỡng cho mọi người tham khảo, ứng dụng tại các trụ sở y tế; tập huấn cho cán bộ y tế xã và cộng tác viên y tế thôn, buôn để họ có thể hướng dẫn, cung cấp cho bà mẹ mang thai và nuôi con nhỏ những kiến thức chăm sóc bản thân và chăm sóc trẻ nhỏ phát triển tốt, tránh được bệnh tật… Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Hương cho biết thêm, Chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng đã được HĐND tỉnh quan tâm, đưa vào nghị quyết và đề ra những chỉ tiêu thực hiện cụ thể. Song, do những yếu tố khách quan tác động mà cụ thể là điều kiện kinh tế của người dân ở một số vùng còn nhiều khó khăn nên mức giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trên địa bàn hằng năm chỉ đạt bình quân từ 0,8 - 1%. Có một thực tế là tại nhiều địa phương, nhất là những huyện vùng sâu, biên giới như Krông Bông, Krông Năng, Ea Súp, mặc dù đội ngũ cán bộ làm chương trình dinh dưỡng tại các trạm y tế xã vẫn thường xuyên truyền thông, chỉ dẫn cho các bậc cha mẹ hiểu rõ cách tổ chức một bữa ăn hợp lý để phòng, chống SDD ở trẻ em, nhưng người dân lại không có điều kiện thực hiện tại gia đình, điều này khiến cho tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của các địa phương này luôn nằm ở mức cao, nhiều nơi tuy có giảm nhưng giảm không bền vững, bởi nguyên nhân chính của tình trạng suy dinh dưỡng là điều kiện kinh tế, nhận thức của người dân cần phải có thời gian để đầu tư, khắc phục vì nó phụ thuộc vào các giải pháp nâng cao trình độ dân trí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội mỗi nơi. Đơn cử như tại huyện Ea Súp, mặc dù hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đều có các hoạt động về phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em như: tập huấn cho cán bộ y tế thôn, buôn về công tác phòng chống SDD trẻ em; tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, trong đó có phòng chống suy dinh dưỡng; theo dõi sự phát triển của trẻ qua việc cân đo trẻ theo định kỳ; thực hành bữa ăn dinh dưỡng…., nhưng tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ nhỏ tại đây vẫn ngày một tăng cao. Số liệu thống kê cho thấy, nếu như năm 2011 tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao trên tuổi ở huyện Ea Súp là 50,2% và suy dinh dưỡng cân nặng trên tuổi là 31,1% thì trong 6 tháng đầu năm 2012, các tỷ lệ này tăng lên tương ứng là 54% và 32,7%. Lý giải về thực trạng này, bác sĩ Kiều Thị Thanh Hà, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết, đa số những nơi có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao là vùng điều kiện kinh tế nghèo, bà mẹ đông con và thiếu kiến thức về chăm sóc trẻ, đặc biệt là chế độ chăm sóc khi trẻ bị ốm và cho trẻ ăn bổ sung không hợp lý. Thực phẩm mà các gia đình cho con ăn không bảo đảm đủ các ô vuông thực phẩm dinh dưỡng, do đó trẻ bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng chiều cao, cân nặng, thậm chí cùng lúc một trẻ bị suy dinh dưỡng cả 2 thể chiều cao và cân nặng.

Có thể thấy, suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học hành và khả năng lao động mà còn là nguyên nhân gây nên một số bệnh mãn tính khi bước vào tuổi trưởng thành. Để cải thiện tình trạng này, không chỉ riêng ngành Y tế mà đòi hỏi cả sự cố gắng cao hơn của toàn xã hội. Muốn bảo đảm cho trẻ được sinh ra khỏe mạnh và được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách, đủ dinh dưỡng ngay từ lúc lọt lòng thì các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu phải được thực hiện song hành với các chương trình xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an ninh thực phẩm.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc