Multimedia Đọc Báo in

Bổ sung chính sách ưu đãi để Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững

16:41, 14/04/2013

Chính phủ sẽ rà soát và nghiên cứu bổ sung cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù trong một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để khu vực Tây Nguyên có thể thu hút mạnh mẽ các nguồn đầu tư cho công cuộc phát triển nhanh, bền vững vùng đất này.

Đường Nguyễn Lương Bằng - một trong các cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak (Ảnh: L.N)
Đường Nguyễn Lương Bằng - một trong các cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Dak Lak (Ảnh: L.N)

Tại Gia Lai, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ KH&ĐT, NHNN, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ hai - 2013. Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh của cả nước, có tiềm năng và lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện. Tuy nhiên, Tây Nguyên hiện vẫn là vùng khó khăn, yếu kém về cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) tham gia đầu tư.

Cà phê - cây trồng chủ lực của Dak Lak vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư
Cà phê - cây trồng chủ lực của Dak Lak vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư (Ảnh: L.N)

Các nhà đầu tư mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên, ưu đãi đối với các DN đầu tư vào Tây Nguyên. Bên cạnh đó là  việc các ngành hữu quan cần quan tâm hơn nữa tới đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng; chú trọng đào nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và trình Chính phủ quyết định ban hành cơ chế, chính sách đặc thù và ưu đãi phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020. Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng có hiệu quả công cụ của chính sách tiền tệ, chính sách tín dụng, chính sách phát triển mạng lưới để điều tiết, phân bổ tốt nguốn vốn tín dụng, phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng ở vùng Tây Nguyên, góp sức cùng cả nước đưa kinh tế, xã hội vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững. Về phía địa phương, lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên cũng cam kết sẽ tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN đầu tư vào Tây Nguyên.

Nhiều dự án trồng cao su ở Dak Lak mang lại hiệu quả rất lớn
Nhiều dự án trồng cao su ở Dak Lak mang lại hiệu quả rất lớn (Ảnh: L.N)

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả thu hút đầu tư vào Tây Nguyên đến nay còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng; số lượng, quy mô dự án còn hạn chế, công nghệ đơn giản, lạc hậu. Để tiếp tục xây dựng Tây Nguyên trở thành một trong những vùng động lực phát triển của cả nước, Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo Bộ KH&ĐT khẩn trương hoàn thiện để trình ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2020. “Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát và nghiên cứu bổ sung các cơ chế chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi đặc thù để phát triển một số lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế để vùng Tây Nguyên thu hút được mạnh mẽ các nguồn đầu tư để phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định.

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc