Xuất hiện một loại “sâu lạ” đục vỏ cây cà phê
Tại nhiều vườn cà phê trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện một loại “sâu lạ”. Loại sâu này ăn quanh vỏ thân cây cà phê tạo thành những đường rãnh sâu đến phần gỗ của cây, thỉnh thoảng cuối mỗi đường rãnh có một lỗ nhỏ ăn sâu vào thân cây. Sau khi bị đục, vỏ cây cà phê bị đứt gãy và có thể bung lớp vỏ khô ra.
Một trong các cây cà phê bị rất nhiều vết cắn quanh thân |
Trao đổi với một số nhà khoa học trong ngành nông nghiệp, được biết họ cũng vừa nghe người sản xuất cà phê ở huyện Cư M’gar và TP. Buôn Ma Thuột phản ánh về tình trạng trên. Điều đáng nói là loại sâu này chỉ xuất hiện trên những vườn cà phê trong thời kỳ kinh doanh, đặc biệt là vườn già cỗi.
Cạo nhẹ lớp vỏ bị đứt gãy sẽ xuất hiện những vết cắn thành rãnh |
Hiện tại vẫn chưa biết chính xác đây là loài sâu gì, nguyên nhân xuất phát từ đâu, mức độ gây hại như thế nào… nên chưa thể đưa ra biện pháp điều trị, phòng ngừa cụ thể mà chỉ mới dừng lại ở mức khuyến cáo người nông dân dùng thuốc Bordeaux (Boóc-đô) hoặc những loại thuốc có gốc đồng, phun vào đầu mùa mưa để phòng trị các bệnh cơ hội tấn công cây cà phê (chẳng hạn như bệnh thối thân).
Thỉnh thoáng có trường hợp cuối vết cắn có một lỗ ăn sâu vào thân cây |
Theo các nhà khoa học, những vết cắn quanh vỏ cây cà phê thu thập được cho thấy khó có khả năng gây chết cây. Tuy nhiên, khi cây cà phê bị tấn công sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển do vỏ thân cây bị tổn thương làm hạn chế quá trình dẫn nước và chất dinh dưỡng đi nuôi cây; ngoài ra, cây phải “dành” một phần dưỡng chất để tập trung chữa lành vết sâu cắn. Điều đáng lo ngại là những vết cắn này sẽ rất dễ trở thành nơi làm ổ và tấn công cây cà phê của các loại sâu, bệnh khác.
Ở các đường rãnh còn để lại một lớp bột màu trắng rất mịn |
Vết cắn đã tự lành để lại sẹo trên thân cây cà phê |
Hiện tại, người sản xuất cà phê rất lo lắng về loài sâu này và rất mong các nhà khoa học sớm vào cuộc, có kết luận chính thức để người dân biết cách phòng, chống.
Ngọc Nguyên
Ý kiến bạn đọc