Multimedia Đọc Báo in

KỶ NIỆM 123 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890-19-5-2013)

Từ muôn vàn tình yêu thương...

15:20, 18/05/2013

Trong bộn bề, tất bật, hối hả và cả bon chen của cuộc sống hôm nay, nếp sống giản dị mà thanh cao, nghị lực vươn lên của những con người có số phận kém may mắn hoặc đôi ba lần vấp ngã trong đời như thứ thanh âm trong trẻo làm vợi bớt những ưu phiền. Nghĩ về họ chợt thấy lòng ấm áp, thanh thản; sự sẻ chia giữa con người với con người vẫn là “thần dược” cứu rỗi những tâm hồn...  Trò chuyện với họ càng thấm thía hơn lời dạy của Bác Hồ: Sống ở trên đời phải biết yêu thương đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Trở về từ “cõi trắng”

Những tưởng gục ngã khi dính vào “nàng tiên nâu”, thế nhưng tình yêu và lòng quyết tâm đã kết nối thành cây cầu đưa Sơn Lâm (phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) trở về vui với đời bằng một công việc bình dị và hạnh phúc bên tổ ấm nhỏ như bao người - điều mà trước đây chỉ là mơ ước với bố mẹ và người thân của anh.

Cuối năm 1999 đầu 2000, để thể hiện sự “sành điệu” trước bạn bè, “ừ thì cứ thử một lần cho biết”, nào ngờ chỉ sau một cái tặc lưỡi ấy, Sơn Lâm trượt dài trên con đường hút chích. Lời khuyên can của bố mẹ, Lâm có nhớ nhưng cũng không thể thực hiện nổi mỗi lần lên cơn nghiện. Bao nhiêu của cải, tiền bạc đội nón ra đi, rồi túng bấn Lâm làm liều đi trộm cắp, cướp giật. Hơn 3 tháng bị bắt và đưa đi cải tạo, tháng 8-2006, một lần nữa, Sơn Lâm lại không thể từ bỏ “nàng tiên nâu”. Lúc đầu thì một tép 200 nghìn/ngày, càng về sau càng thêm nặng, lên tới cả triệu đồng một ngày. Gần 3 năm sau, cánh cửa nhà tù lại phải mở để đưa Sơn Lâm vào với mức án 15 tháng tù vì tội trộm cắp. Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ bám riết Lâm suốt đời nếu như không có tình yêu thức tỉnh. Trong thời gian nghiện ngập Lâm đã quen với Lương Thị Thu Hằng và tới tháng 10-2009 thì chị đã hạ sinh cho Lâm một cô con gái nhỏ, xinh xắn. Nằm trong trại, Lâm dằn vặt, ân hận bao nhiêu thì càng nung nấu làm lại cuộc đời để báo hiếu cha mẹ và làm người cha tốt nuôi dạy con sau này.

Những ngày đầu khi mới ra tù, Lâm xin một chân giữ xe cho quán cà phê gần nhà nhưng ai cũng ái ngại từ chối. Đang lúc bí bách không tìm được việc làm, may mắn cho Lâm khi có người mách nước rằng: Hiện tại các shop hoa ở TP. Buôn Ma Thuột vẫn phải nhập giỏ hoa từ TP. Hồ Chí Minh về để cắm và chưng bày, nếu làm được thì đây là một cơ hội lớn. Thấy việc làm những giỏ hoa cũng không đến nỗi khó quá, Lâm quyết định rủ thêm ba người bạn nữa, những người đồng cảnh ngộ với mình, để bắt tay vào thử nghiệm. Những sản phẩm đầu tiên đi chào hàng và được chủ các shop hoa góp ý: các mẫu này cũng giống như mẫu dưới Sài Gòn, nên làm thêm kiểu khác, cầu kỳ hơn một chút, đặc biệt là phải khác với người ta. Nhận thấy cây cà phê là một lợi thế ở Tây Nguyên, Lâm nảy ra ý tưởng làm những giỏ hoa từ chính cành cà phê, tạo nên phong cách và nét độc đáo, ấn tượng riêng. Ý tưởng này được hiện thực hóa và thật mừng khi thị trường rất đón nhận. Những đơn đặt hàng ngày một nhiều thêm, ngoài địa bàn Buôn Ma Thuột đã mở rộng đến một số huyện như Cư M’gar, Krông Pak. Cùng với sự giúp đỡ của cha, một người trồng cây cảnh lâu năm, Lâm và các bạn còn trồng, nhận chăm sóc cây cảnh để có thêm thu nhập. 

Sơn Lâm tặng Hội LHTN Việt Nam món quà lưu niệm do chính tay mình làm, tại Lễ trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên, tháng 3-2012, ngay chính tại cơ sở của mình.
Sơn Lâm tặng Hội LHTN Việt Nam món quà lưu niệm do chính tay mình làm, tại Lễ trao vốn khởi nghiệp cho thanh niên, tháng 3-2012, ngay chính tại cơ sở của mình.

Giờ đây, ngoài một cơ sở ở phường Tân Tiến, Lâm và các bạn lại đang tất bật xây thêm một cơ sở mới ở buôn Ky (TP. Buôn Ma Thuột). Lâm tâm sự rằng: “Sau một thời gian tu chí làm ăn, giờ đây mình đã gây dựng lại niềm tin với bố mẹ và gia đình”. Trở về từ “cõi trắng”, chàng trai trẻ Sơn Lâm vẫn thầm cảm ơn sự bao dung, giúp đỡ của mọi người. Giá trị của hạnh phúc, tình yêu và gia đình đã thức tỉnh và giúp Lâm sống có ích hơn với cuộc đời.

Ngân lên những cung đàn đồng điệu

Những học sinh của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh kính trọng và có tình cảm yêu mến đặc biệt với thầy giáo Nguyễn Thái Dương của mình không chỉ bởi tài năng: hát hay đàn giỏi, mà còn bởi ý chí, nghị lực của người thầy tật nguyền ấy.

Sinh ra ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Ninh, sau một trận sốt cao năm lên 2 tuổi đã khiến đôi chân anh teo tóp rồi bị liệt, không thể đi lại dù được gia đình đưa đi chạy chữa khắp nơi. Được bố mẹ, người thân động viên, anh dần thích nghi với hoàn cảnh. Năm 1994, anh thi đỗ vào Trường Trung cấp Kinh tế Quảng Ninh, theo học được 2 năm đành phải nghỉ học giữa chừng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Cuộc sống của anh bước sang trang mới khi vào năm 1998, một người bạn của bố anh đang công tác ở Dak Lak về thăm quê, ghé nhà chơi, thấy anh đang say sưa chơi đàn ghi ta. Nhận thấy chàng trai khuyết tật có năng khiếu về âm nhạc, ông bàn với bố mẹ anh cho anh vào Dak Lak luyện thi âm nhạc. Với 26,5 điểm, Nguyễn Thái Dương là người có điểm số cao thứ 2 thi đỗ vào Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Dak Lak, chuyên ngành Ghi ta Cổ điển. Sau khi ra trường, anh xin vào dạy nhạc cho trẻ em khuyết tật của Cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật Vi Nhân TP. Buôn Ma Thuột. Cảm phục trước nghị lực của chàng trai trẻ tật nguyền, chị Võ Thị Mai Thùy cô giáo dạy cùng đem lòng thương yêu. Năm 2006, anh chị tiến tới hôn nhân với trăm bề khó khăn, nhưng nhờ tình yêu và sự giúp đỡ, động viên của gia đình, vợ chồng anh đã dần vươn lên trong cuộc sống. Năm 2009, hai anh chị được tiếp nhận vào giảng dạy tại Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh.

Mỗi ngày được đến lớp với thầy giáo Dương không chỉ để thỏa mãn niềm đam mê âm nhạc. Anh tâm sự, hạnh phúc hơn cả là anh được trao gửi niềm đam mê ấy đến với những học trò đáng thương cùng cảnh ngộ. Ngân lên những cung đàn đồng điệu, cùng xoa dịu, sẻ chia những mất mát, thiếu hụt, kém may mắn về thân thể, tiếp thêm nghị lực cho mình và cho các em để cuộc sống luôn đầy niềm vui, hy vọng.

Lá rách ít đùm lá rách nhiều

Bị tật một chân, thế nhưng với quan niệm “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, anh Trần Ngọc Đoàn (sinh 1975), khối 5, phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) lại là người luôn tích cực đối với các hoạt động từ thiện.

Tiếp chúng tôi trong một căn nhà gỗ nhỏ, nằm chênh vênh giữa con dốc, nụ cười thường trực trên đôi môi anh cùng những câu chuyện lạc quan về cuộc sống. Lý giải cho cái tên “Tèo” mọi người quen gọi, anh kể: Ấy là khi 5 tuổi, sau trận sốt, một bên chân sưng to, khi vào bệnh viện thì bác sĩ chuẩn đoán là bị ápse. Từ đó chân phải của anh teo tóp, rút lại và bị tật cho đến tận bây giờ. Là một phật tử của chùa Hồng Phước (TP. Buôn Ma Thuột), lại thường đi theo các đoàn từ thiện của chùa tới nhiều nơi, nên anh đã gặp không ít hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh trong xã hội. Chính từ những chuyến đi đó, anh vẫn tự nhủ mình còn may mắn hơn nhiều người và đôi mắt của mình hãy luôn luôn nhìn ngang tầm và nhìn xuống để có thêm niềm lạc quan sống. Từ đó, anh càng quyết tâm lo toan cuộc sống cho gia đình và đều đặn hằng tuần dành dụm một ít để làm từ thiện. Làm đủ nghề buôn bán ngoài chợ, cuộc sống cũng không dư dả gì, thậm chí nhiều người quen, thân với anh bày tỏ băn khoăn: “Gia đình còn nghèo, đôi khi phải chạy ăn từng bữa, bản thân còn bị tật, có khá giả, sung sướng gì đâu mà đi làm từ thiện”. Anh chỉ cười: “Sung sướng chứ! Lá rách ít đùm lá rách nhiều, quan trọng là khi giúp được người khác mình thấy hạnh phúc và thanh thản”.

Chuyên mục địa chỉ cho những tấm lòng vàng của Đài Phát thanh và Truyền hình Dak Lak, đều đặn hằng tuần đều thấy tên anh trong danh sách những tập thể cá nhân có lòng hảo tâm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Anh tâm sự: “Số tiền tuy không lớn nhưng mỗi người mỗi chút, chung tay góp lại sẽ giúp được bao người. Làm từ thiện đâu cứ phải giàu có mới làm được...”.

Đàm Gia

 


Ý kiến bạn đọc