Hội nghị trực tuyến phiên họp thường kỳ của Chính phủ
Đẩy mạnh các nhóm giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển, phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 5,5%
Ngày 27-6, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013. Ở đầu cầu tỉnh Dak Lak, dự hội nghị có Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải cùng lãnh đạo các sở, ngành trong tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Dak Lak |
Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong 6 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: năm 2013, nền kinh tế cả nước vẫn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, nhưng các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP của Chính phủ, nền kinh tế vĩ mô bước đầu đã đạt được những kết quả tích cực, đúng hướng. Mức tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực được cải thiện rõ rệt, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP của cả nước tăng từ 4,9% trong quý I lên 5% trong quý II. Có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như nỗ lực của các cấp ngành, địa phương và toàn dân.
Với việc triển khai các giải pháp về chính sách tiền tệ và tài khóa đã góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Lê Ngọc |
Cụ thể, sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi và có những chuyển biến tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,2%. Lĩnh vực dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,7%. Hoạt động sản xuât, kinh doanh của doanh nghiệp bước đầu đã có những tín hiệu tích cực, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả thị trường khá ổn định. Lãi suất giảm, cùng nhiều biện pháp miễn giảm thuế, giãn thuế… đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng tín dụng có nhiều chuyển biến, thanh khoản của các ngân hàng thương mại được cải thiện. Tính đến 20-6, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,1% so với tháng 12-2012 (so với cùng kỳ tăng 7,51%). Tổng dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tăng 8,18%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 3,31%. Xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn kế hoạch đề ra với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 62,1 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 448,6 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 114,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,86%. Cùng với sự phát triển ổn định về kinh tế, an sinh xã hội cũng được bảo đảm, đời sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững… Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc, lạm phát vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn tăng cao trở lại; việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng nhưng còn chậm; tổng mức đầu tư phát triển còn thấp; tiến độ thu ngân sách chưa đạt theo kế hoạch và thấp hơn so với cùng kỳ…
Sản xuất, chế biến thức ăn gia súc tại Cụm công nghiệp Ea Đar, Ea Kar (Dak Lak) |
Phát biểu thảo luận tại phiên họp, các bộ, ngành, địa phương đều thống nhất cao với báo cáo đánh giá về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 6 tháng đầu năm, đồng thời nêu một số khó khăn, vấn đề tồn tại trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Qua đó, kiến nghị, đề nghị Chính phủ một số vấn đề: cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế, vì hiện nay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển còn chậm và có dấu hiệu chững lại; quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa cho các doanh nghiệp, nhất là trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng; cần có chính sách hỗ trợ cụ thể đối với ngành công nghiệp hỗ trợ; tăng cường các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, nhất trên tuyến Quốc lộ 1A…
Hoạt động kinh doanh cà phê ở Dak Lak vẫn còn nhiều bất cập cần tăng cường các giải pháp để chống thất thu thuế |
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội của Dak Lak trong 6 tháng đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Trọng Hải cho biết: 6 tháng đầu năm kinh tế - xã hội của Dak Lak giữ đà tăng trưởng 5%, sản xuất nông lâm nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong thu ngân sách, Dak Lak vẫn tiếp tục gặp khó khăn, việc chống thất thu thuế đối với ngành cà phê còn nhiều hạn chế, bất cập. Là cây kinh tế chủ lực của tỉnh, cà phê cũng đang đối mặt với những vấn đề dẫn đến sự phát triển thiếu bền vững: diện tích tăng vượt quy hoạch, nhiều vườn cây đã già cỗi… Cũng tại phiên họp này, ông Hoàng Trọng Hải kiến nghị với Chính phủ một số vấn đề: đề nghị xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng trên 3.000 tỷ đồng để tái canh cây cà phê; tiếp tục hỗ trợ các dự án định canh định cư cho dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ ngành địa phương trên tinh thần phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục nỗ lực, triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra của năm 2013, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5%. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tập trung vào 5 nhóm giải pháp: chính sách tiền tệ, tài khóa; tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng sức mua, tăng tổng cầu nền kinh tế, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa; bảo đảm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; bảo đảm an sinh xã hội và tăng cường công tác phổ biến, thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức trong việc triển khai thực hiện.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc