Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo “Báo chí với doanh nghiệp - đồng hành và phát triển”

19:13, 06/06/2013

Sáng 6-6, tại TP. Buôn Ma Thuột đã diễn ra Hội thảo báo chí khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ lần thứ IV, năm 2013 với chủ đề “Báo chí với doanh nghiệp - đồng hành và phát triển” do Hội Nhà báo tỉnh Dak Lak đăng cai tổ chức.

Tham dự hội thảo có ông Phạm Quốc Toàn, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo các Hội Nhà báo, cơ quan báo chí các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng.

Đơn vị chủ nhà tặng qùa lưu niệm các hội nhà báo tỉnh bạn
Đơn vị chủ nhà tặng qùa lưu niệm các Hội nhà báo tỉnh bạn

Hội thảo thu hút sự tham gia đóng góp ý kiến có chất lượng của đại diện các Hội nhà báo, cơ quan báo chí trong khu vực đối với vấn đề báo chí và doanh nghiệp. Hầu hết ý kiến của đại biểu đều chung nhận định: Báo chí và doanh nghiệp có mối quan hệ hữu cơ, hai chiều, tất yếu. Doanh nghiệp là một trong những đối tượng phản ánh không thể thiếu của báo chí, những vấn đề phát sinh từ doanh nghiệp là đề tài không bao giờ cạn cho báo chí để phục vụ nhu cầu thông tin của bạn đọc và cho sự phát triển chung của xã hội. Trong mọi bước đường hoạt động của doanh nghiệp, báo chí luôn có ảnh hưởng mạnh mẽ. Dù được coi là mối quan hệ “nhạy cảm” nhưng báo chí vẫn luôn là người bạn đồng hành, thấu hiểu, chia sẻ, động viên doanh nghiệp, cập nhật, cung cấp nhiều thông tin cần thiết cho doanh nghiệp, chỉ ra những điểm yếu để doanh nghiệp khắc phục.

 

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy giữa doanh nghiệp với báo chí còn chưa thật sự hiểu nhau. Các đại biểu đã thẳng thắn chỉ ra, đó là việc phần lớn doanh nghiệp vẫn e ngại, không muốn tiếp xúc với báo chí. Điều này xuất phát từ nguyên nhân hai phía. Nhiều doanh nghiệp không dám thông tin cho báo chí vì e ngại sự việc được phản ánh nhưng không giải quyết đến nơi đến chốn thì cơ quan công quyền sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Về phía báo chí, nhiều nhà báo cũng chưa có khả năng khai thác, nắm bắt đúng bản chất sự việc nên khi phản ánh đã ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp…

Trước tình hình đất nước và bối cảnh nền kinh tế hội nhập như hiện nay, hội thảo khẳng định, việc tuyên truyền cho sự phát triển của doanh nghiệp là trách nhiệm của báo chí. Thông tin, phải khách quan, chính xác, việc nêu vấn đề phải đi đến cùng, không được thông tin nửa vời, gây khó khăn thất vọng cho doanh nghiệp; phải có cách nhìn khách quan, đa chiều tránh phiến diện, một phía. Những nội dung góp ý của báo chí phải sâu sát với thực tiễn doanh nghiệp, phải xuất phát từ bản chất hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không né tránh  báo chí, tuân thủ quy định của Chính phủ về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí. Xây dựng mối quan hệ giữa báo chí với doanh nghiệp trên tinh thần trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật và không vụ lợi. Bên cạnh đó, để báo chí sát cánh cùng doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí để tạo ra tiếng nói mạnh mẽ, tạo luồng thông tin định hướng dư luận, định hướng chính sách…

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.