Multimedia Đọc Báo in

Đến 2020, xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng vùng Tây Nguyên

14:24, 18/11/2013

Đến năm 2020, cơ bản hình thành được sự liên kết phát triển du lịch  giữa các địa phương trong vùng Tây Nguyên một cách toàn diện, đồng bộ; xây dựng được sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, có thương hiệu.

“Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” gồm các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Dak Lak, Dak Nông và Lâm Đồng vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, du lịch Tây Nguyên trở thành một ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng; góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn; bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Đóng góp của du lịch trong GDP đạt 4.040 tỷ đồng (tương đương 197 triệu USD) năm 2015;  đạt 7.524 tỷ đồng (tương đương 367 triệu USD) năm 2020.  

Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng du lịch. Trong ảnh: Hồ Lak (Dak Lak)
Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng du lịch sinh thái. Trong ảnh: Hồ Lak (Dak Lak)

Quyết định nêu cụ thể định hướng phát triển thị trường khách du lịch. Cụ thể, với khách du lịch nội địa, phát triển thị trường du lịch nội vùng và các vùng phụ cận, đặc biệt từ các thành phố và các trung tâm du lịch lớn; chú trọng khách du lịch với mục đích nghiên cứu văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng núi, giải trí, nghỉ cuối tuần và du lịch gia đình.

Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển, mở rộng thị trường du lịch theo các chuyên đề đặc biệt (vượt thác, thám hiểm rừng nguyên sinh, leo núi chinh phục đỉnh cao, khinh khí cầu, nhảy dù, tàu lượn…).

Còn với khách du lịch quốc tế, thu hút, phát triển các thị trường gần, có khả năng chi trả cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN; tăng cường khai thác thị trường cao cấp từ Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia; nghiên cứu mở rộng các thị trường mới: Ấn Độ, Bắc Âu.

Ưu tiên phát triển 4 nhóm sản phẩm chính: 1- Nhóm sản phẩm du lịch nghiên cứu, tìm hiểu di sản văn hóa các dân tộc; 2- Nhóm sản phẩm du lịch sinh thái Tây Nguyên; 3- Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ trên núi; 4- Nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm theo các chuyên đề.

Đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch như: Du lịch hội nghị, hội thảo; du lịch lễ hội (festival); du lịch giáo dục; du lịch dưỡng bệnh; du lịch chăm sóc sắc đẹp.

Theo Quyết định, có 3 địa điểm trọng điểm phát triển du lịch của vùng:

Thứ nhất, thành phố Đà Lạt gắn với hồ Tuyền Lâm, hồ Đan Kia-Suối Vàng, có đặc điểm nổi trội về tài nguyên du lịch tự nhiên, hướng khai thác chủ yếu là du lịch tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Thứ hai, Dak Lak, Dak Nông gắn với vườn quốc gia Yok Đôn và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, có đặc điểm nổi trội cả về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn, hướng khai thác chủ yếu là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái rừng, sinh thái nông nghiệp nông thôn.

Thứ ba, Gia Lai-Kon Tum gắn với cửa khẩu quốc tế Bờ Y, khu du lịch Măng Đen, điểm du lịch hồ Yaly, có giá trị tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, đặc biệt là nhà rông, nhà mồ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch Tây Nguyên là 60.270 tỷ đồng (tương đương 2.940 triệu USD), bao gồm vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (gồm cả vốn ODA), vốn FDI, vốn huy động từ sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, các thành phần kinh tế trong nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Theo Chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.