Để có một Dak Lak "xanh và giàu bản sắc"
Dak Lak sẽ trở thành tỉnh phát triển theo hướng “Xanh – Giàu bản sắc văn hóa – Chất lượng sống – Thân thiện”, đây là tương lai của Dak Lak theo như chương trình rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Tiền đề
Theo định hướng này, nền kinh tế của tỉnh dựa trên những nền tảng phát triển bền vững, tập trung phát triển kinh tế xanh gắn với hiệu quả bảo vệ môi trường gồm các trụ cột cơ bản: Du lịch sinh thái – dịch vụ đầu mối vùng – công nghiệp thân thiện với môi trường – Nông nghiệp sạch. Thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với một không gian Xanh – Hiện đại – Văn minh, trung tâm giao thương của vùng Tây Nguyên hội nhập với khu vực và quốc tế. Người dân được thụ hưởng một đời sống chất lượng với dịch vụ xã hội tốt, môi trường được bảo đảm, cơ hội việc làm và thu nhập cao. An ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Ngã sáu Ban Mê. Ảnh: Hoàng Gia |
Kết quả rà soát, đánh giá qua thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hơn 10 năm qua được coi là những luận chứng thuyết phục để xây dựng hoạch định tương lai này cho Dak Lak. Nhìn lại chặng đường suốt thời gian qua, vị thế của Dak Lak trong khu vực Tây Nguyên được đánh giá là một tỉnh đứng đầu về quy hoạch kinh tế của khu vực. Nhiều lĩnh vực Dak Lak đã chiếm vị trí đầu bảng xếp hạng ở khu vực: Năng suất lao động đạt 47,7 triệu đồng; trong toàn vùng, tổng sản phẩm gấp 5 lần so với tỉnh đóng góp nhỏ nhất và chiếm 34,7%, giá trị xuất khẩu chiếm 50,6%, thu ngân sách chiếm 24,9%; sản lượng lương thực chiếm 49% và sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế và xuất khẩu cao như cà phê, điều, cao su.
Xét về điều kiện phát triển nội sinh, Dak Lak là tỉnh có điều kiện tương đối thuận lợi. Dak Lak có dân số đông thứ 10 của cả nước, đứng đầu Tây Nguyên, nguồn lao động chiếm đến 55% dân số. Đặc biệt lực lượng lao động trong tỉnh còn trẻ, lao động dưới 45 tuổi chiếm 75%, đáp ứng nhu cầu phát triển. Điều kiện về đất đai nơi đây rất thích hợp với một số cây công nghiệp, nhất là cà phê cho năng suất cao nhất toàn vùng. Diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước, địa hình khá bằng phẳng trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, thời tiết thuận lợi, ít bị ảnh hưởng trực tiếp của bão cũng là những lợi thế để Dak Lak hình thành và phát triển một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa phục vụ trong nước và xuất khẩu với các sản phẩm đặc trưng như cà phê, cao su, hồ tiêu, bông và nhiều cây lương thực, thực phẩm có giá trị khác với năng suất, chất lượng cao.
Thêm nữa, Dak Lak là tỉnh duy nhất ở Tây Nguyên có nhiều quốc lộ đi qua như Quốc lộ 14, 26, 27, 14C. Dak Lak nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Lợi thế này giúp Dak Lak có thể mở rộng giao lưu liên kết để phát triển kinh tế - xã hội và hợp tác trong nước và quốc tế.
4 trọng điểm, 3 đột phá
Hướng tới một Dak Lak “Xanh – Giàu bản sắc văn hóa – Chất lượng sống – Thân thiện”, tỉnh đã xác định 4 trọng điểm và 3 khâu đột phá nhằm tạo những bước đi vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương từ nay đến năm 2020. Trong đó, trọng điểm thứ nhất được ưu tiên là tập trung hỗ trợ mọi mặt như thủ tục đầu tư, đất đai, hạ tầng, xúc tiến việc làm, chính sách thuế… để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là các dự án chế biến sâu, sản phẩm nông sản chất lượng cao phục vụ xuất khẩu; công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; công nghiệp năng lượng gió, mặt trời, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp tập trung. Đối với phát triển thủy điện, chỉ tập trung khai thác bền vững các thủy điện đã vận hành và triển khai xây dựng đúng tiến độ, kiên quyết loại bỏ các dự án chậm triển khai và ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Trọng điểm 2 là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị theo hướng ưu tiên trọng tâm là các công trình, lĩnh vực kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nhằm phát huy nhanh hiệu quả kinh tế và quay vòng vốn; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các đô thị bằng các cơ chế linh hoạt, thu hút các dự án ưu tiên đầu tư của các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế. Tập trung vào nâng cấp các tuyến giao thông kết nối các tiểu vùng, công trình tưới nước, mạng cấp điện cho sản xuất. Phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị hạt nhân vùng Tây Nguyên, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Trọng điểm 3 là phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững, trong đó tập trung xây dựng nhóm các sản phẩm du lịch độc đáo, có bản sắc riêng trên cơ sở hệ thống tài nguyên nhân văn sinh thái tương đối đa dạng của tỉnh, đặc biệt chú trọng xây dựng quảng bá thương hiệu du lịch Dak Lak, xúc tiến thu hút đầu tư vào các khu du lịch. Liên kết du lịch với các tỉnh trong vùng, tham gia hình thành cụm liên kết du lịch của vùng Tây Nguyên. Trọng điểm 4 là chuyển dịch chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng với yêu cầu phát triển mới trong đó tập trung phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ, nâng cấp chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp, tinh gọn, đúng vị trí chuyên môn.
Bảo vệ tài nguyên môi trường để góp phần xây dựng Dak Lak “xanh và giàu bản sắc”. Ảnh: Chính Hữu |
Khác với những giai đoạn trước không đề cập đến các khâu đột phá, việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Dak Lak đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 lần này, các khâu đột phá đã được đề xuất làm tiền đề để thực thi hiệu quả quy hoạch, tháo gỡ các nút thắt trong quan hệ sản xuất, thu hút nguồn lực và nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ nhất là đột phá về chính sách: Xây dựng chính sách đào tạo nhân lực trong đó tập trung đào tạo nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước; đào tạo lao động có trình độ ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Thứ hai là đột phá về liên kết phát triển: Đề xuất và cùng với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên xây dựng cơ chế liên kết với các địa phương trong vùng bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ trong phát triển toàn vùng. Tăng cường quan hệ, hình thành các liên kết ngành dọc theo hướng chặt chẽ, bảo đảm tính đồng bộ ở các khâu, thông tin dự báo nhanh, chính xác đặc biệt với ngành, sản phẩm thế mạnh của tỉnh là cà phê. Thứ ba là đột phá về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, hình thành các cụm dịch vụ, kỹ thuật nông nghiệp nằm trong chuỗi liên kết các hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các địa bàn, hướng dẫn mô hình sản xuất, liên kết đầu mối thu mua, bảo quản chế biến, kiểm định chất lượng sản phẩm. Xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ cho các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học tại địa phương theo hướng là trung tâm khoa học công nghệ dẫn đầu của vùng, xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh để khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ.
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc