Multimedia Đọc Báo in

Doanh nghiệp Dak Lak nỗ lực nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu

21:41, 30/12/2013

Trong quá trình hội nhập và phát triển của ngành cà phê xuất khẩu Việt Nam nói chung và tỉnh Dak lak nói riêng còn khá nhiều khó khăn, hạn chế mà chủ yếu là do chất lượng cà phê còn kém. Vì vậy, để nâng cao chất lượng loại mặt hàng này, những năm gần đây các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong tỉnh đã có những chiến lược, cách làm hiệu quả từ quá trình sản xuất đến khâu chế biến sản phẩm cà phê.

Chú trọng từ khâu sản xuất...

Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi, quỹ đất đai rộng lớn, hiện Dak Lak có trên 200.000 ha cà phê được trồng tại hầu khắp các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh, với năng suất bình quân đạt 2,5-3 tấn/ha, sản lượng hằng năm trên 450.000 tấn. Sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh cũng ngày một tăng cao, riêng niên vụ cà phê 2011-2012 đạt 298.181 tấn, chiếm 18,7% tổng lượng cà phê xuất khẩu cả nước. Từ những số liệu trên cho thấy Dak Lak là vùng tiềm năng và thế mạnh của ngành cà phê Việt Nam, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp trong nước thì mặc dù sản lượng, năng suất cao nhưng về chất lượng cà phê vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân chủ yếu là do khâu sản xuất cà phê còn chạy theo số lượng là chính, trong khi chính sách đầu tư, phát triển của Nhà nước trong quá trình sản xuất cà phê còn hạn chế, chưa rõ ràng, khiến người trồng cà phê không mấy quan tâm đến chất lượng đầu ra. Theo chị Trần Uyên Thao, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu cà phê Hoàng Quyến (địa chỉ xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: hiện các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trong tỉnh vẫn thu mua nguyên liệu cà phê ở dạng nhân xô từ người dân, do đó chất lượng không đồng đều, pha tạp nhiều loại cà phê với nhau, hạt to, hạt nhỏ. Trong khi đó, sản lượng hằng năm lại đang có chiều hướng giảm dần, bởi phần lớn diện tích cà phê của người dân được trồng từ những năm 1980-1990, có độ tuổi khai thác lớn, việc chăm sóc, thu hoạch và chế biến cà phê quả tươi vẫn theo kiểu thủ công truyền thống, hoặc với máy móc thô sơ nên tỷ lệ hao hụt cao, kéo theo năng suất, chất lượng cà phê không bảo đảm. Để nâng cao chất lượng cà phê trong quá trình sản xuất thì những năm gần đây doanh nghiệp Hoàng Quyến thường xuyên khuyến cáo, vận động bà con trong địa bàn xã Cư Êbur chú trọng việc chăm sóc, thu hoạch cà phê, không nên hái khi quả còn xanh; đồng thời kết hợp với chính quyền xã Cư Êbur hằng năm tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo về công tác trồng, chăm sóc cà phê theo tiêu chuẩn sạch, bền vững; doanh nghiệp cam kết thu mua cà phê với giá cao hơn cà phê sản xuất truyền thống. Cùng với đó, một số đơn vị xuất khẩu cà phê lớn khác trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Dak Lak những năm qua cũng đã thực hiện nhiều mô hình trồng cà phê liên kết với nông dân theo tiêu chuẩn 4C, UTZ sản xuất cà phê bền vững; thường xuyên cử cán bộ chuyên môn về tận nơi hướng dẫn cho bà con chăm sóc vườn cà phê một cách khoa học, đem lại hiệu quả bước khả quan. Ông Lê Đức Thống, giám đốc công ty cho biết: qua thực hiện các mô hình tại một số địa bàn trong tỉnh, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, năng suất cà phê hằng năm đều cao và ổn định hơn so với việc chăm sóc theo phương thức truyền thống; giá thu mua cũng được doanh nghiệp mua cao hơn từ 200 đến 400 đồng/kg so với các loại cà phê khác.

Việc sản xuất của người dân vẫn theo kiểu truyền thống, cùng máy móc thô sơ nên chất lượng cà phê nhân còn thấp.
Việc sản xuất của người dân vẫn theo kiểu truyền thống, cùng máy móc thô sơ nên chất lượng cà phê nhân còn thấp.

... Đến quá trình chế biến

Hiện Dak Lak là tỉnh có sản lượng cà phê xuất khẩu đứng đầu cả nước, nhưng mới chỉ xuất khẩu cà phê ở dạng thô. Vì vậy, để nâng cao chất lượng cà phê, các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này luôn ý thức việc đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tìm ra những công thức chế biến sâu mang tính đặc trưng, chất lượng cao cho chuỗi cà phê xuất khẩu. Theo báo cáo của UBND tỉnh Dak Lak, trên địa bàn tỉnh có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia chế biến cà phê nhân, trong đó 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hàng năm, lượng cà phê nhân chế biến của tỉnh khoảng 400.000 tấn, trong đó khoảng 20% được chế biến theo đúng quy trình công nghệ tại các công ty có đầu tư công nghệ bài bản, có vườn cây hoặc liên kết đầu tư vườn cây với nông dân; số lượng cà phê còn lại do người dân tự chế biến. Từ đầu năm 2011 đến nay, một số nhà máy, cơ sở chế biến cà phê đã đầu tư máy móc, trang thiết bị để tăng công suất chế biến như Nhà máy chế biến cà phê hòa tan của Công ty CP đầu tư và phát triển An Thái đã nâng công suất từ 1.000 tấn lên 2.500 tấn sản phẩm/năm; Công ty TNHH cà phê Ngon nâng công suất từ 6.000 tấn lên 10.000 tấn sản phẩm/năm, hay công ty CP cà phê Trung Nguyên có công suất hoạt động lên đến 60.000 tấn/năm… Cho thấy chất lượng cà phê xuất khẩu đang được các doanh nghiệp quan tâm, cải thiện và dần chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh đã qua chế biến sâu như cà phê rang xay và cà phê hòa tan. Tuy nhiên số lượng của sản phẩm này vẫn còn thấp so với tổng sản lượng cà phê xuất khẩu của tỉnh (lượng cà phê hòa tan là 1.113 tấn, cà phê rang xay là 1,865 tấn).

Từ thực tế trên, hiện nay tỉnh Dak Lak đã và đang thực thi đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với tổng số vốn đầu tư 1.647 tỷ, gồm: duy trì diện tích cà phê ổn định trên 150.000 ha, sản lượng bình quân 400.000 tấn/niên vụ; 50% diện tích cà phê có trồng cây che bóng; tăng tỷ lệ chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan đạt 15% sản lượng trở lên mỗi niên vụ; có khoảng 30% sản lượng cà phê được giao dịch qua Trung tâm cà phê Buôn Ma Thuột; 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới nước chủ động… Tuy nhiên việc thực hiện đề án này cũng không hề đơn giản, bởi hiện nay có trên 85% diện tích cà phê là do người dân tự trồng và quản lý, do vậy quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; trong quá trình sản xuất cà phê của tỉnh không chỉ đối mặt với diện tích vườn cà phê già cỗi ngày càng gia tăng, mà còn phải đối mặt với những khó khăn thách thức khác như hạn hán, gió bão, sâu bệnh, biến động giá cả…

Lê Thành

 


Ý kiến bạn đọc