Hội nghị trực tuyến về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và phát động chiến dịch tiêm vắc-xin sởi
Sáng 23-2, Bộ Y tế tổ hội nghị trực tuyến cùng với 63 điểm cầu về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm và phát động chiến dịch tiêm vắc-xin sởi do Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Tại điểm cầu Dak Lak, tham dự có các sở, ngành liên quan, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Theo thông báo của Cục Thú y, cả nước có 17 tỉnh, thành xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 gồm: Dak Lak, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa Vũng Tàu, Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa với 67 ổ dịch, trên 61.000 con mắc bệnh; tiêu hủy trên 84.000 con. Bộ Y tế cũng cho biết, trong năm 2014, Việt Nam ghi nhận 2 trường hợp mắc và tử vong trên người tại Bình Phước và Đồng Tháp, các trường hợp mắc đều có tiền sử dịch tễ tiếp xúc với gia cầm bị nhiễm vi rút cúm A/H5N1. Như vậy, từ 2003 đến nay, Việt Nam đã có126 ca mắc bệnh, trong đó có 64 trường hợp tử vong. Đối với cúm A/H7N9, Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm. Từ tháng 6-2013 đến nay, Cục Thú y đã triển khai 3 chương trình giám sát chủ động vi rút cúm A/H7N9 tại 11 tỉnh thành khu vực phía Bắc với 20.000 mẫu gia cầm tại các chợ để xét nghiệm, kết quả đều âm tính với vi rút cúm A/H7N9.
Tại Dak Lak, từ đầu năm 2014 đến nay đã có 6 huyện, thành phố xuất hiện dịch cúm A/H5N1 gồm: TP. Buôn Ma Thuột, Krông Pak, Buôn Đôn, Cư Kuin, Krông Ana, Ea Súp với 9.313 con gia cầm bị bệnh và tiêu hủy. Sở Y tế cũng đã tiến hành lấy các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân có biểu hiện sốt liên quan đến ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm và một số người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm đều âm tính với cúm A/H5N1. Về cúm A/H7N9, Dak Lak chưa ghi nhận trường hợp nào. Theo nhận định của Sở Y tế, nguy cơ về dịch cúm A/H5N1 và H7N9 rất lớn, do đó Sở đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch cúm A (H5N1, H7N9) nhằm phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong do cúm A…
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Dak Lak |
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng đã phát động kế hoạch tiêm phòng và tiêm vét vắc-xin sởi, theo đó tập trung triển khai tiêm chủng vắc-xin sởi đạt trên 95% cho các đối tượng, gồm: đối tượng nguy cơ cao trong ổ dịch theo chỉ định; trẻ em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa được tiêm vắc-xin sởi và trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi đã tiêm 1 mũi vắc-xin sởi. Thời gian thực hiện từ tháng 2 đến tháng 4-2014 trên phạm vi toàn quốc. Tại Dak Lak, hàng năm vẫn còn 10-15% trẻ chưa được tiêm sởi mũi 1 hoặc 2, số ca mắc bệnh vẫn xuất hiện rải rác tại tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2014 đã ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi. Dak Lak cũng đã xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc-xin sởi, theo đó sẽ có khoảng 2.500 trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi và khoảng 8.500 trẻ từ 18 tháng đến 2 tuổi được tiêm 1 mũi vắc-xin sởi trong dịp này…
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cần phải cảnh giác cao độ với các chủng cúm A trên gia cầm và trên người. Các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra trong kế hoạch hành động. Trong công tác tuyên truyền phải khách quan, sát với thực tế, phải dễ nhớ, dễ hiểu để không làm người dân hoang mang, người tiêu dùng quay lưng với sản phẩm gia cầm. Về tiêm vắc-xin sởi, phải có hướng dẫn cụ thể cho từng cấp, từng ngành thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân để nâng cao nhận thức cho nhân dân trong việc phòng bệnh.
T.N
Ý kiến bạn đọc