Multimedia Đọc Báo in

Sơ kết Dự án "Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe"

17:26, 19/02/2014

Sáng 19-2, UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển y tế cộng đồng (CCRD) tổ chức Hội nghị sơ kết dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe”.

Tham dự có Ban quản lý dự án Trung ương và các tỉnh Dak Lak, Điện Biên, Yên Bái.

1
Toàn cảnh Hội nghị

Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” do Atlantic Philanthropies tài trợ và CCRD phối hợp với Sở Y tế 3 tỉnh Dak Lak, Điện Biên, Yên Bái triển khai từ năm 2011 đến 2015. Mục tiêu chung của dự án là góp phần giảm bệnh tật, tử vong ở phụ nữ và trẻ em trong các nhóm dân cư thiệt thòi tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa thông qua khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe của bà mẹ, trẻ em trong các cặp vợ chồng, gia đình và cộng đồng. Dự án có 5 hợp phần chính gồm: các hoạt động chuẩn bị, truyền thông thay đổi hành vi, vận động lãnh đạo và cộng đồng, các hoạt động hỗ trợ tại cộng đồng, xây dựng năng lực.

Sau 3 năm triển khai dự án, các tỉnh đã thực hiện được 37 phóng sự và tin phát thanh truyền hình, 27 tập kịch truyền thanh; tổ chức 61 hội thảo với sự tham gia của 2.929 đại biểu là nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo địa phương, cộng đồng và 10.658 buổi truyền thông nhóm; cấp phát 3.140 tờ rơi cung cấp thông tin thiết yếu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; tiếp cận khoảng 144.000 phụ nữ, trẻ em và thành viên gia đình, cộng đồng... Đồng thời, hỗ trợ tài chính cho 9 hộ gia đình; xây dựng, nâng cao năng lực lãnh đạo, truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ dự án, lãnh đạo sở y tế và y tế thôn bản. Qua đó, đã góp phần giảm tỷ suất tử vong mẹ và trẻ em dưới 1 tuổi; giảm tỷ lệ phụ nữ mang thai lần đầu dưới 18 tuổi từ 13,8% xuống còn 11,3%; giảm tỷ lệ phụ nữ sinh tại nhà từ 33,6% xuống 29,8%; nâng tỷ lệ phụ nữ được cán bộ y tế đỡ đẻ từ 72,3% lên 78,5%; giảm tỷ lệ trẻ nhẹ cân từ 8% xuống còn 3,6 %...

1
Xã Cư Pui (huyện Krông Bông) là một trong những địa phương triển khai dự án của tỉnh Dak Lak. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn cuối, dự án tập trung vào các định hướng chính: tăng cường những hoạt động truyền thông thay đổi hành vi có hiệu quả, giảm bớt những hoạt động không hiệu quả hoặc không cần thiết; tiếp tục chương trình vận động lãnh đạo, nhất là việc chuyển giao lại mô hình thành công của dự án; xây dựng năng lực cho cán bộ tuyến tỉnh về quản lý chất lượng hoạt động và kỹ năng vận động cộng đồng dân tộc thiểu số; thực hiện lồng ghép với các dự án, chương trình khác trên cùng địa bàn...

Tại Hội nghị, đại diện Ban quản lý dự án các tỉnh Dak Lak, Điện Biên, Yên Bái đã trình bày kết quả triển khai thực hiện dự án và chia sẻ kinh nghiệm, nêu các kiến nghị, đề xuất, tập trung vào các nội dung: tiếp tục nâng cao năng lực cho đội ngũ y tế cơ sở; mở rộng và duy trì các hình thức truyền thông tại cộng đồng; đầu tư trang thiết bị truyền thông hiệu quả hơn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hỗ trợ chuyên môn và hướng dẫn cơ sở tổ chức triển khai hiệu quả các hoạt động của dự án…

Nguyễn Xuân

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hạ tầng số đi trước “mở đường” chuyển đổi số
Hạ tầng số được xem “viên gạch” đầu tiên đặt nền móng để thúc đẩy chuyển đổi số. Vì vậy, tỉnh Đắk Lắk đã và đang tập trung đầu tư, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số.