Multimedia Đọc Báo in

Đua voi - "đặc sản" của du lịch Dak Lak

10:40, 12/03/2014
Từ lâu, Dak Lak nói chung và Buôn Đôn nói riêng đã nổi tiếng về đàn voi và nghề bắt voi, thuần hóa voi rừng. Cũng từ rất lâu, nơi đây đã xuất hiện hình thức đua voi. Đây được xem là “đặc sản” của vùng đất Tây Nguyên mà không phải nơi nào cũng có được.
 
Những người M'nông và Êđê ở Dak Lak là chuyên gia thuần dưỡng voi rừng. Con voi là loài vật rất gần gũi và thân thiết với cuộc sống của người dân nơi đây. Họ thuần dưỡng voi không chỉ để lấy sức kéo và chuyên chở hàng hóa, mà voi trở thành một người bạn, một thành viên trong mỗi gia đình. Hằng năm, trước khi bước vào một mùa vụ mới, các buôn làng ở Tây Nguyên thường tổ chức đua voi với ý nghĩa nhằm tôn vinh sức mạnh, sự mưu trí, dũng cảm, đồng thời thể hiện tình cảm với người bạn voi yêu quý. Con voi là hiện thân của thiên nhiên kỳ vĩ. Sự to lớn vượt bậc của nó so với mọi loài thú khác đã quyết định tính hấp dẫn của các cuộc đua. Không ít người cả đời chưa một lần được thấy “ông” voi nên được xem đua voi là khao khát không của riêng ai. Sau một thời gian bị gián đoạn, cuộc đua voi năm 1985 đã mở đầu việc khôi phục lễ hội đua voi truyền thống tại Dak Lak. Từ đó đến nay cứ hai năm một lần, lễ hội độc đáo này được tổ chức khi Tây Nguyên bước vào tháng 3, trời nắng dịu, đất rừng khô ráo và lồng lộng gió. Để con voi luôn khỏe mạnh và thể hiện lòng yêu quý với chúng, trước mỗi lần tổ chức lễ hội đua voi là lễ cúng sức khỏe cho voi. Lễ vật là 3 ché rượu cần, một con heo và một bầu nước. Lễ xong mọi người ca hát nhảy múa hân hoan để bắt đầu cuộc thi voi với những tiếng cồng chiêng thúc giục.
Đua voi được xem như “đặc sản” của du lịch Dak Lak.
Đua voi được xem như “đặc sản” của du lịch Dak Lak.
Vào sáng sớm của ngày hội đua voi, đoàn người của buôn làng sẽ cùng già làng đến bến nước để làm lễ cúng, nhằm cảm tạ thần nước đã đem lại may mắn trong năm cũ và cầu cho mưa thuận gió hòa trong năm mới. Sau lễ cúng, một bãi đất trống bằng phẳng của buôn làng được sử dụng để đua voi. Mỗi đợt đua có từ 3 đến 5 chú voi tùy thuộc vào số lượng voi tham gia. Những chú voi chạy về nhất mỗi đợt sẽ giành quyền vào đua vòng sau. Cứ như thế cho đến khi chọn được những chú voi về nhất, nhì và ba của cuộc đua. Bước vào cuộc đua, các chú voi chậm chạp, lững thững tiến về vị trí tập kết. Thế nhưng chỉ sau hiệu lệnh là một hồi tù và ngân lên, lập tức những chú voi to lớn dũng mãnh lao về phía trước, chiếc vòi cuốn nguợc lên trời, tiếng gầm rú đanh và dài của các chú voi, tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên cùng với tiếng cổ vũ, hò reo của du khách thúc giục những chàng khổng lồ của núi rừng hăng hái phóng thật nhanh về đích làm náo động cả một góc trời, phá vỡ sự yên tĩnh vốn có hàng ngày ở nơi đây. Trong lễ hội đua voi, mỗi chú voi được điều khiển bởi hai người quản tượng. Đây là những người dũng cảm và nhiều kinh nghiệm trong nghề thuần dưỡng voi. Người ngồi trước có nhiệm vụ điều khiển sao cho voi chạy thẳng đường, đúng hướng. Muốn voi chạy sang bên trái thì gõ vào tai trái và ngược lại. Người ngồi sau thì dùng chiếc búa gỗ quất vào mông voi, thúc voi tăng tốc, lao nhanh về đích. Công việc này nhìn thì đơn giản nhưng cả hai người quản tượng phải có sự phối hợp ăn ý với nhau. Và muốn voi hiểu được ý của người điều khiển thì đó là cả một quá trình. Tại Thái Lan có trò chơi đá bóng bằng cách cưỡi voi, cũng có cách cho voi đi nhanh vác nặng ở một quốc gia châu Phi, nhưng có lẽ chỉ ở Lễ hội đua voi Buôn Đôn, tài năng của loài voi được khai thác một cách thú vị hơn hết và rõ ràng.

Lễ hội đua voi Buôn Đôn được tổ chức hai năm một lần, riêng năm nay sẽ diễn ra long trọng và hoành tráng hơn bởi được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Buôn Đôn tổ chức trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Năm Du lịch quốc gia Tây Nguyên - Đà Lạt 2014 diễn ra trong 2 ngày 12 đến 14-3. Xen kẽ với đua voi là những lễ hội truyền thống của buôn làng Tây Nguyên như lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới, lễ đâm trâu… Đến Buôn Đôn, du khách sẽ thỏa lòng với những cung bậc cảm xúc trước bề dày văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên. Ngoài việc tham gia lễ hội đua voi, du khách còn được thưởng thức những món ăn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tây Nguyên như cơm lam, rượu Ama Kông, gà nướng Bản Đôn...

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.