Multimedia Đọc Báo in

Xung quanh vụ 5 học sinh chết ở xã Cư D'răm (huyện Krông Bông): Giá như!

15:37, 15/03/2014
Cái chết của 5 em học sinh phổ thông ở xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) khiến không ít người bàng hoàng, thảng thốt, xen lẫn niềm thương xót khôn cùng.
 
Không tiếc, không thương làm sao được khi cả 5 em đều ở lứa tuổi đẹp nhất của đời người. Các em ra đi vĩnh viễn mang theo những ước mơ về một tương lai tươi sáng vẫn còn đang dang dở. Các em đã từng vượt nhiều ki-lô-mét  để thuê, mượn đất gần trường dựng lều "nuôi chữ". Chỉ vài tháng nữa thôi, 1 trong 5 em sẽ hoàn thành chương trình lớp 12 và chỉ một, hai năm sau đó tiếp tục có thêm 2 em học sinh người dân tộc Mông sẽ rời những chiếc lều ọp ẹp để bước vào giảng đường một trường đại học, cao đẳng hay một trường nghề nào đó…
 
1
Từ nhiều năm nay, học sinh dân tộc thiểu số ở xã Cư Drăm nhà ở cách xa trường thường thuê hoặc mượn đất nhà dân dựng lều tạm để ở học (Ảnh: tư liệu)
 
Riêng tôi trong sâu thẳm đáy lòng hai tiếng "giá như" cứ vọng mãi. Giá như các em có được một khu nội trú để trọ học, được quan tâm chăm sóc tốt hơn chắc hẳn điều đáng tiếc đã không xảy ra? Còn nhớ giữa mùa đông năm 2013, chúng tôi đến thăm các em dựng lều trọ học và đã không khỏi nao lòng khi thấy các em phải tự che chắn gió lùa qua liếp vách, tìm cách sưởi ấm trong những đêm giá lạnh. Thầy Ngô Hữu Ba, Phó Hiệu trưởng THCS Cư Drăm - dẫn chúng tôi đến thăm một số căn lều ở gần trường và đã không khỏi nao lòng  khi nhìn thấy học sinh của mình trong manh áo trắng mong manh đang ngồi ôn tập bài cho giờ học buổi chiều. Chiếc chiếu nhàu nát và tấm mền mỏng không đủ ấm, các em phải đốt lửa sưởi cả ngày lẫn đêm, nhiều đêm lạnh quá không ngủ được... Cám cảnh làm sao khi bước vào các căn lều là những chiếc nồi ám đầy khói đặt xung quanh bếp. Tìm hiểu kỹ mới biết, dẫu ở chung nhưng mỗi em lại nấu một nồi cơm riêng. Gặng hỏi mãi các em mới rụt rè nói: Không nấu ăn chung, đơn giản vì nhà nào cũng nghèo, nên càng tiết kiệm càng tốt. Bữa trưa chỉ có rau, muối, ớt xanh. Một học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo nói: Khổ cực mấy em vẫn cố gắng học! Bởi nếu không đi học thì tụi em phải ở nhà lên nương, lên rẫy phụ bố mẹ hoặc lấy vợ. Nhiều bạn cùng trang lứa với em không đi học, phần lớn đều đã lấy vợ, có con cả rồi.” 
 
1
Nếu có nhà bán trú dân nuôi, các em học sinh xa nhà ở xã Cư D'răm không vất vả tự lo bữa ăn như thế này. (Ảnh: tư liệu)
Mục sở thị bữa ăn của các em chỉ có rau rừng chấm với muốt ớt xanh, mùa măng có thêm đĩa măng luộc chấm muối, thỉnh thoảng có quả trứng, miếng thịt, tôi chợt nhớ đến Chương trình “Cơm có thịt” do Nhà báo Trần Đăng Tuấn nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam phát động để giúp cho bữa cơm của các em học sinh dân tộc nghèo có thêm con cá, lát thịt; để các em được no lòng, ấm dạ trong mỗi tiết học.
 
Giờ đây khi vụ việc thương tâm xảy ra tại xã Cư Drăm (huyện Krông Bông) tôi lại thầm mong giá như các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa đến những trường hợp học sinh xa nhà trọ học, nhằm bảo đảm điều kiện về vật chất, tinh thần và môi trường an toàn để các em yên tâm học tập; để không còn xảy ra những cái chết thương tâm như vừa qua... 
 
Nguyên Hoa 
 
​ 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.