Multimedia Đọc Báo in

Nhận diện yếu tố cản trở phục hồi kinh tế

12:44, 15/03/2014

Trên thị trường tiền tệ đã và đang xuất hiện một nghịch lý: ngân hàng (NH) thừa vốn khả dụng, trong khi doanh nghiệp (DN) lại thiếu vốn đầu tư phát triển. Một khi thực trạng này chưa được giải quyết thì vẫn còn đó những yếu tố cản trở đà hồi phục của nền kinh tế.

Số liệu thống kê của Chi nhánh NHNN Dak Lak cho thấy: tính đến hết tháng 2-2014, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 40.591 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2013. Còn trên phạm vi cả nước, theo số liệu của NHNN Việt Nam công bố, đến ngày 20-2-2014 tín dụng toàn hệ thống các TCTD đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Theo NHNN cũng như đại diện một số TCTD, điều này hoàn toàn phù hợp với quy luật của những năm gần đây, đó là tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm do thời điểm này khách hàng có nguồn vốn trả nợ và ít có nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, giới doanh nhân lại có cái nhìn khác bởi con số tổng phương tiện thanh toán trên cả nước 2 tháng đầu năm chỉ tăng khoảng 1,94% (thấp hơn cùng kỳ năm trước) và dư nợ tín dụng cả nước giảm, dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh Dak Lak cũng chỉ tăng nhẹ đã cho thấy: việc khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, sức cầu nền kinh tế chưa được cải thiện đáng kể.

Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch Hòa Bình, Chi nhánh MHB Dak Lak (ảnh minh họa).
Khách hàng giao dịch tại phòng giao dịch Hòa Bình, Chi nhánh MHB Dak Lak (ảnh minh họa).

Vấn đề đặt ra là vốn khả dụng tại các TCTD đang rất dồi dào, hơn nữa lãi suất cho vay cũng đã giảm đáng kể, nhưng tại sao vốn trong NH vẫn chưa đưa ra được với nền kinh tế? Tính đến thời điểm hiện tại, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam chỉ khoảng 9%-10%/năm; một số DN có tình hình tài chính lành mạnh, có phương án, dự án sản xuất kinh doanh hiệu quả đồng thời còn được các NH thương mại cho vay với mức lãi suất chỉ từ 6%-7%/năm (tương đương với lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng) nhưng tình hình phát triển vẫn không khả quan. Cũng cần nói thêm rằng, nền kinh tế của tỉnh dựa rất nhiều vào vốn tín dụng NH, lâu nay nguồn vốn này vẫn là ”mạch máu” nuôi sống nền kinh tế, nên một khi vốn không đưa ra được thị trường, thì tất yếu sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, và lẽ dĩ nhiên, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng xấu. Nói điều này để thấy rằng, tín dụng tăng trưởng thấp chính là một trong những yếu tố cản trở nền kinh tế phục hồi và phát triển. Vì vậy, việc làm thế nào để khơi thông được vốn cho nền kinh tế, tất nhiên là phải đưa vốn đến đúng nơi cần đến và sử dụng hiệu quả, là vấn đề cần được xem xét, giải quyết một cách kịp thời. Tại buổi gặp mặt đại diện các TCTD, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở: mặc dù các TCTD đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cho vay nền kinh tế nhưng trong thực tế vẫn còn không ít DN gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng NH và đề nghị ngành NH Dak Lak quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Thực tế, đã có nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền địa phương, NH, DN nhằm tháo gỡ khó khăn trong quan hệ vay vốn, song việc kết nối giữa NH và DN vẫn chưa như mong muốn. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, UBND tỉnh nên tổ chức gặp mặt DN theo ngành nghề, địa bàn với quy mô hẹp để có nhiều thời gian ”đi sâu, đi sát” DN, từ đó mới có biện pháp tháo gỡ khó khăn phù hợp.

Lê Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc