Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo tình trạng thiếu điện nghiêm trọng

10:09, 10/04/2010

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho đến hết tháng 6-2010, cả nước sẽ thiếu khoảng 600 triệu kWh điện.

Theo ông Đậu Đức Khởi – Phó Tổng giám đốc EVN, nguyên nhân tình trạng thiếu điện trước hết là do tình hình khô hạn đang xảy ra trên diện rộng nên lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện hiện tại rất thấp (chưa từng xảy ra trong lịch sử). Tính đến ngày 31-3-2010, mực nước nhiều hồ thuỷ điện thấp hơn cùng kỳ năm 2009, như: hồ Hoà Bình thấp hơn năm ngoái là 1,28m; Thác Bà thấp hơn 5,23m; Tuyên Quang thấp hơn 15,18m...Ngoài ra, để phục vụ sản xuất vụ Đông Xuân trong tháng 1 và tháng 2, các hồ thuỷ điện miền Bắc đã tiến hành 3 đợt xả nước và còn tiếp tục xả để phục vụ dưỡng lúa. Trong khi đó, nắng nóng sớm tại miền Bắc vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3 làm phụ tải tăng cao, lượng điện mua từ Trung Quốc bị giảm 100 triệu kWh; khí PM3 cấp cho cụm nhà máy điện Cà Mau chỉ đạt 3,5 triệu m3/ngày mà nhu cầu cần 6 triệu m3/ngày. Cùng với đó là việc chậm tiến độ tại các dự án điện cả trong và ngoài EVN mà nguyên nhân chủ yếu do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm, nhất là đối với các dự án thủy điện phải giải tỏa lòng hồ. Hơn nữa, ngành điện phụ thuộc nhiều vào yếu tố đầu vào tự nhiên (than, khí, nguồn nước); trong khi đó sự phân bố các nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào này lại không đồng đều trên phạm vi cả nước. Hơn nữa, với những biến đổi khôn lường của khí hậu trong những năm gần đây, nguồn nước thường xuyên thiếu hụt, trữ lượng khí ở miền Nam cũng có hạn và trữ lượng than hiện cũng không phải còn quá nhiều. Hệ quả là việc sản xuất điện không thể “chia đều” trong khi nơi nào cũng cần có điện. Do sự thiếu hụt nguồn cung điện không theo quy luật và ngày càng có xu hướng gia tăng, nên khi xây dựng xong đường dây 500kV mạch 1 chưa được bao lâu đã quá tải, đến mạch 2 hiện nay cũng đang trong tình trạng đó. Một nguyên nhân đáng kể nữa là sự sử dụng lãng phí điện năng, nhất là tại những cơ quan hành chính sự nghiệp.
 
Để giải quyết những khó khăn đó, trước mắt, EVN sẽ tăng cường tích nước dự phòng cho các hồ thủy điện. Bên cạnh đó, tăng cường nhập khẩu điện (hiện trung bình EVN nhập khẩu 14-15 triệu kWh điện). Ngoài ra, sẽ huy động tối đa công suất của các nhà máy điện chạy dầu thuộc EVN, như Nhà máy điện Thủ Đức, nhà máy điện Cần Thơ… để cấp điện cho hệ thống dù phải chấp nhận mức giá dầu diezel khá cao. Song song với giải pháp trên, hiện EVN đang tính toán đề suất với Bộ Công Thương cho phép điều tiết sản lượng hệ thống, vì theo tính toán sản lượng tiêu thụ điện trong tháng 4 khoảng 270 triệu kWh/ngày, tháng 5 khoảng 275 triệu kWh/ngày và tháng 6 khoảng 285 triệu kWh/ngày thì hệ thống mới đủ sức chịu đựng được. Nếu quá tải thì hệ thống sẽ tự động sa thải tải, và như thế, ảnh hưởng sẽ không chỉ đối với các hộ sản xuất mà cả hộ gia đình. EVN cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cấp điện lên tải đối với các dự án, công trình điện đang chạy thử của mình, đồng thời, đề nghị các đơn vị chủ dự án điện ngoài EVN cùng EVN chia sẻ khó khăn bằng cách đẩy nhanh tiến độ công trình, dự án của mình, EVN sẵn sàng chia sẻ khó khăn bằng cách cung ứng dầu cho các dự án này vận hành.
 
Hiện nay, EVN đang có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản nhằm huy động tối đa công suất các nhà máy điện của hai tập đoàn này để đáp ứng tối đa cho nhu cầu phụ tải điện trong mùa khô. Đặc biệt, đối với các công trình, nhà máy điện đã đến lịch phải đại tu, để đảm bảo nguồn cung điện, EVN cũng sẽ nghiên cứu, sắp xếp để cố gắng kéo dài hơn thời hạn phải đại tu, tốt nhất là sau mùa khô. Còn đối với những tổ máy bắt buộc phải đại tu ngay, EVN sẽ đôn đốc thực hiện trong thời gian ngắn nhất, kể cả tăng ca, làm thâu đêm, để đảm bảo đưa các tổ máy này vận hành trở lại trong thời gian nhanh nhất. Tuy nhiên, một biện pháp hữu hiệu nhất, theo ông Khởi, vẫn là ý thức tiết kiệm điện của người sử dụng, đặc biệt là các hộ gia đình. Mỗi hộ chỉ cần tắt bớt 1 bóng đèn là cả nước đã có thể bớt được hàng chục nghìn kWh điện.
Hoa Hồng ( Tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.