Chương trình giao lưu tư vấn trực tuyến “ Hướng nghiệp, học nghề và việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số”
Sáng 25-5, tại Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị (Trung ương Đoàn) phối hợp với Báo Thanh niên đã tổ chức Chương trình giao lưu với chủ đề "Hướng nghiệp, học nghề và việc làm cho thanh niên dân tộc”. Đại diện Vụ Đào tạo nghề (Tổng Cục Dạy nghề, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội; Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc); Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh; Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn Dak Lak và một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng 150 sinh viên Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên đã tham dự.
Các sinh viên đang tham gia Chương trình giao lưu trực tuyến |
Tại buổi giao lưu, có gần 500 câu hỏi của sinh viên xoay quanh các vấn đề: thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong việc học nghề và việc làm cho thanh niên dân tộc; thông tin hướng nghiệp, chọn nghề, học nghề; xu hướng tuyển dụng việc làm; tư vấn học nghề, tạo việc làm; thông tin về các vấn đề đưa thanh niên đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; chia sẻ kinh nghiệm thực tế và các vấn đề khác có liên quan đến học nghề và lập nghiệp cho thanh niên dân tộc… đã được các khách mời giải đáp.
Liên quan đến những chế độ, chính sách dành cho học sinh dân tộc thiểu số khi học nghề, ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc cho biết, hiện nay Nhà nước có rất nhiều chính sách quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn lao động người dân tộc thiểu số. Ngoài Quyết định 1956 của Chính phủ áp dụng cho tất cả vùng miền nông thôn, Ủy ban Dân tộc hiện có hai chính sách áp dụng với các đối tượng cụ thể, đặc thù. Với quy định 135 thì chính sách đào tạo áp dụng theo quy định bên Cục Dạy nghề. Đặc biệt, quyết định mới nhất Ủy ban Dân tộc ban hành năm 2009 là Quyết định 1592 áp dụng cho các hộ nghèo trên toàn quốc. Theo quyết định này, nếu có nhu cầu học, đối tượng đủ điều kiện có thể được hỗ trợ 3 triệu đồng/tháng tiền học nghề. Những mức tiền này như tiền ăn, đi lại... sẽ do UBND tỉnh quy định. Khi học xong, nếu có nhu cầu tìm nghề, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiếp 3 triệu đồng để làm vốn, ngoài ra còn được vay tối đa 10 triệu đồng lãi suất bằng không với thời gian vay 3 năm tại Ngân hàng Chính sách - Xã hội tỉnh để phát triển nghề. Theo ông Xuân, đây là chính sách mới và cải tiến rất nhiều so với những quy định trước. Ngoài ra, quy định của chương trình còn có hỗ trợ về xuất khẩu lao động, Nhà nước sẽ hỗ trợ học văn hóa 1 năm, sau đó chuyển sang học nghề và xuất khẩu lao động. Người đi xuất khẩu lao động theo chương trình này được vay tối đa 30 triệu đồng cho một lao động đi xuất khẩu lao động. Ông Xuân cũng thông báo nếu người lao động khi có nhu cầu, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số khi cần học nghề, vay vốn có thể đến Ban Dân tộc các tỉnh để được giải quyết.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc đang giải đáp những ý kiến của sinh viên |
Trả lời câu hỏi về tiêu chí tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh,Vụ trưởng Vụ Đào tạo nghề, Tổng cục Dạy nghề - Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mỗi doanh nghiệp có một tiêu chí riêng. Thế nhưng tiêu chí đầu tiên mà nhà tuyển dụng thường quan tâm chính là: năng lực học tập, tâm huyết với nghề mình đã chọn (nếu hội đủ các yếu tố trên, cơ hội tìm kiếm việc làm rất cao); tiêu chí thứ hai là người tìm việc phải có tác phong công nghiệp cao, hiện tác phong này còn thấp tại nước ta, kỷ luật lao động còn yếu vì vậy các doanh nghiệp khi tìm người lao động rất e ngại vấn đề này. Tiêu chí thứ ba để tìm việc là kỹ năng sống. Theo đó, các bạn sinh viên cần tích cực tham gia các hoạt động Đoàn để nâng cao kỹ năng này. Đặc biệt, thanh niên dân tộc thiểu số cần chọn và học đúng ngành, nghề mà xã hội đang cần có như vậy mới dễ dàng tìm kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường. Nhiều vấn đề về liên quan đến chỉ tiêu tuyển dụng, chế độ tiền lương, những ưu đãi của các doanh nghiệp đối với sinh viên dân tộc thiểu số khi được tuyển dụng đã được lãnh đạo Công ty Cao su Krông Buk, Công ty TNHH May Tây Nguyên giải đáp.
Ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak trao học bổng học nghề du lịch tặng thanh niên dân tộc thiểu số |
Nhân dịp này, ông Lê Hoàng Cơ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Dak Lak đã trao 20 suất học bổng học nghề du lịch của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) tặng Trường Cao đẳng Nghề thanh niên dân tộc Tây Nguyên.
Hoa Nguyên
Ý kiến bạn đọc