Tòa án Nhân dân tỉnh: Kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Tòa án Nhân dân (13-9-1945 - 13-9-2010)
Sáng 13-9, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Dak Lak đã tổ chức Lễ kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành TAND (13-9-1945 - 13-9-2010). Về dự lễ kỷ niệm có đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; đại diện HĐND, UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cùng đông đảo cán bộ viên chức ngành TAND tỉnh.
Quang cảnh buổi lễ. |
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 65 năm ngành TAND Việt Nam và 35 năm ngành TAND Dak Lak. Cách đây 65 năm, ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 33c thành lập các Tòa án quân sự. Từ đó đến nay, ngày 13-9 hằng năm được coi là ngày truyền thống của ngành TAND Việt Nam. Ngay từ khi được thành lập, các Tòa án đã trở thành công cụ chuyên chính của Nhà nước trong việc trấn át bọn gián điệp, phản cách mạng làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự xã hội; xử lý các loại tội phạm xâm phạm tài sản Nhà nước, công dân, biển thủ của công, buôn lậu…, góp phần giữ vững chính quyền nhân dân, tạo lập niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, ngành TAND luôn bám sát đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là từ năm 2002 đến nay, với việc triển khai thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TƯ và Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng về tổ chức, hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng. Các Tòa án luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, áp dụng đúng đắn các quy định của pháp luật để giải quyết, xét xử các vụ án; đặc biệt là nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa nhằm bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Đối với Dak Lak, TAND được thành lập ngay sau ngày giải phóng (3-1975) với tên gọi ban đầu là Tòa án quân quản. Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, ngành TAND Dak Lak luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự giám sát của HĐND. Hằng năm, ngành TAND Dak Lak đã thụ lý và đưa ra xét xử hàng nghìn vụ án các loại. Trong đó nhiều vụ án đã được tổ chức xét xử lưu động tại những nơi xảy ra tội phạm, qua đó phát huy tác dụng giáo dục, tuyên truyền pháp luật và răn đe phòng ngừa tội phạm chung trong xã hội, được nhân dân đồng tình ủng hộ…
Bên cạnh những thành tích đã đạt được, các cán bộ lãnh đạo ngành TAND Dak Lak cũng đã thẳng thắn, nghiêm túc kiểm điểm những hạn chế thiếu sót cần khắc phục. Đó là: Đội ngũ thẩm phán, cán bộ công chức của ngành vẫn chưa đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ, nhận thức về pháp luật chưa sâu, việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất…, dẫn đến tình trạng vẫn còn án bị sửa nghiêm trọng hoặc bị hủy để điều tra xét xử lại. Bên cạnh đó, một số cán bộ công chức chưa tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành…
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tập thể cán bộ công chức ngành TAND Dak Lak đã đạt được trong thời gian qua. Đồng chí cũng chỉ ra những khó khăn phức tạp về tình hình an ninh chính trị trên địa bàn mà ngành TAND Dak Lak cần phấn đấu để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng giao phó. Đồng chí Hoàng Trọng Hải nhấn mạnh: Muốn hoàn thành trọng trách của mình, cán bộ công chức ngành TAND Dak Lak phải không ngừng học tập về lý luận chính trị, chủ trương đường lối của Đảng; trau dồi trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao kiến thức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đồng thời phải ra sức phấn đấu tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng và tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Phát huy tinh thần đoàn kết nhằm tạo ra sức mạnh để củng cố và kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc, nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án; cương quyết tránh làm oan sai, bỏ lọt tội phạm, tránh tiêu cực trong hoạt động của ngành. Bên cạnh đó cần phải chú ý đến công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ để có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương…
Ý kiến bạn đọc