Vượt 16 bậc ở bảng cạnh tranh toàn cầu, Việt Nam vươn lên đứng ở vị trí 59
Theo báo cáo về Khả năng Cạnh tranh Toàn cầu 2010-2011 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 9-9, Việt Nam đã vượt 16 bậc trong bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh toàn cầu, đứng vị trí 59 trong số 131 nền kinh tế thế giới (Năm 2009-2010, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 75 trong số 133 quốc gia).
Hoạt động sản xuất của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam Chi nhánh Ea Kar (Dak Lak). Ảnh L.H |
Đây là tín hiệu tốt lành cho nền kinh tế Việt Nam bởi báo cáo dựa trên bốn yếu tố cơ bản hàng đầu được coi có ảnh hưởng tới chỉ số cạnh tranh của quốc gia gồm lạm phát, cơ sở hạ tầng, lao động có trình độ và mức độ tham nhũng.
Thụy Sĩ tiếp tục đứng ví trí đầu tiên trong bảng xếp hạng, được WEF đánh giá rất cao về khả năng đổi mới của nền kinh tế cũng như khả năng phối hợp hoàn hảo giữa giới nghiên cứu và lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, các cơ quan hành chính công của Thụy Sĩ còn được đánh giá hiệu quả và minh bạch nhất thế giới. Năng lực cạnh tranh kinh tế của nước này còn được hậu thuẫn bởi cơ sở hạ tầng tuyệt vời, với một thị trường rất hiệu quả, đặc biệt là lĩnh vực tài chính cùng với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định nhất thế giới.
Đứng ở vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Thụy Điển và Singapore. Đức, nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đứng ở vị trí thứ 5. Kinh tế Nhật, mặc dù gặp những khó khăn liên tiếp từ khủng hoảng và đồng yên tăng giá, vẫn vươn lên 2 bậc và giữ vị trí thứ 6. Trung Quốc đã cải thiện được 2 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh và đứng vị trí thứ 27.
Bảng xếp hạng của WEF năm nay cũng chứng kiến sự thụt lùi về khả năng cạnh tranh của Mỹ từ vị trí thứ 2 năm 2009 xuống vị trí thứ 4.
Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu của WEF cho thấy bức tranh tổng quan và toàn diện về những điểm mạnh, điểm yếu của các nền kinh tế trên thế giới. Xếp hạng của WEF cũng phản ánh các nhân tố ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh của một quốc gia, vốn cũng là các yếu tố cơ bản đối với tăng trưởng kinh tế bền vững.
L.H (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc