Hoành tránh, ấn tượng Lễ diễu binh diễu hành lớn nhất lịch sử
11:50, 10/10/2010
Sáng nay, 10-10, Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Từ sáng sớm tinh mơ, khắp nẻo đường Hà Nội đã nhộn nhịp bởi những dòng người đổ về quảng trường Ba Đình chuẩn bị cho Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành. Trên những tuyến phố mà đoàn diễu binh, diễu hành đi qua, những người dân đã đứng chờ từ rất sớm để được tận mắt chứng kiến thời khắc lịch sử này.
Tới dự Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội qua các thời kỳ; khách quốc tế, đại sứ, đại biện, trưởng đại diện nhiều tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành trung ương; đại diện các mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng LLVT, các tướng lĩnh…
Đọc diễn văn kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gợi lại lịch sử hào hùng của Thủ đô Hà Nội. Cách đây đúng 1000 năm, vua Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Từ mốc son lịch sử đó tới thời đại Hồ Chí Minh, trải qua 1000 năm với bao thiên tai, binh lửa, Hà Nội vẫn luôn hiên ngang, vững bước đi lên để cả dân tộc trùng phùng, đồng bào vẫn sắt son, yêu nước, ngày càng gắn bó, đoàn kết với nhau.
Ảnh: TTXVN |
Chào mừng những thành tựu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, khắp nơi trên phố phường đều hiển hiển những thành tựu cụ thể của người Hà Nội với mảnh đất 1000 năm văn vật - Thủ đô của nước Việt Nam. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Thăng Long – Hà Nội chính là nơi địa linh nhân kiệt, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Trí tuệ, văn hóa ấy được kết tinh, lưu giữ và phát triển qua các thời kỳ. Chủ tịch nước thành kính bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với tổ tiên và các tiền nhân có công khai sáng kinh thành Thăng Long, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các nhà yêu nước, các thương binh liệt sỹ, những nông dân, công nhân, trí thức, kiều bào ở nước ngoài…. đã có công xây dựng và bảo vệ đất nước để Hà Nội có được như ngày hôm nay. Chủ tịch nước cũng gửi lời cảm ơn bạn bè quốc tế, nguyện cùng các dân tộc trên thế giới phấn đấu cho cuộc sống hòa bình, sự phồn vinh của mỗi dân tộc, hạnh phúc của mỗi con người. Tuy nhiên, Hà Nội cũng như đất nước ta còn rất nhiều khó khăn, Chủ tịch nước đã kêu gọi người dân đóng góp sức mình để xây dựng Thủ đô Hà Nội, nước Việt Nam ngày càng văn minh, giàu mạnh. “Trong thời khắc lịch sử này, chúng ta nhận thức sâu sắc rằng cả nước và thủ đô còn nhiều thách thức, khó khăn phía trước. Toàn thể nhân dân Việt Nam trong nước, ngoài nước nguyện đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực phấn đấu xây dựng thủ đô ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp; Tích cực xây dựng Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh.”- Chủ tịch nước nói.
Ảnh: TTXVN |
Sau bài diễn văn của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lễ mít tinh bắt đầu với lễ rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngọn lửa đã được những vận động viên tiêu biểu cho phong trào thể dục - thể thao giương cao trên tay tiến vào Quảng trường Ba Đình và trao cho Đại tá Nguyễn Văn Bình - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thắp lên đài lửa Đại lễ. Khi ngọn lửa đã cháy sáng trên đài lửa, các đại biểu đã thực hiện nghi thức chào cờ với hát Quốc ca và bắn 21 loạt đại bác.
Phần diễu binh mở đầu với 10 máy bay trực thăng của Không quân Việt Nam Anh hùng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu với dòng chữ “Chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội” bay qua Quảng trường Ba Đình. Tiếp đó, xe mang Quốc huy được đặt trên mặt trống đồng và xe mang chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tiến qua lễ đài. Hình ảnh quốc huy đặt trên mặt trống đồng thể hiện ý nghĩa về sự bền vững của dân tộc Việt Nam. 54 nam nữ cầm cờ, hoa thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng 54 dân tộc anh em trong tiến trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc... Nối tiếp là phần diễu binh của các khối quân đội, công an, dân quân tự vệ. Đội hình diễu binh của các lực lượng vũ trang Việt Nam do Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Thành, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam dẫn đầu. Đội hình diễu binh có sự tham gia của các khối: lục quân, sĩ quan phòng không không quân, sĩ quan hải quân, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển Việt Nam… Đoàn diễu binh của lực lượng an ninh nhân dân có sự tham gia của 1000 chiến sĩ thuộc các đơn vị cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động…
Ảnh: TTXVN |
Phần diễu hành có sự tham gia của 17 khối. Dẫn đầu là xe rước biểu trưng Hà Nội và xe rước bằng UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản Văn hóa thế giới. Xe rước được trang trí với hình ảnh biểu trưng rồng thời Lý mềm mại uốn lượn 12 nhịp thể hiện cho 12 tháng trong năm cầu mưa thuận gió hòa. Từ đó tới nay, hình ảnh Rồng thời Lý luôn luôn hiện hữu trong đời sống văn hóa nghệ thuật của người Hà Nội cũng như người dân Việt. 1000 năm định đô, xây dựng và phát triển, quyết định của Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư - Ninh Bình về thành Đại La - Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị là nơi trung tâm của trời đất - là trái tim của cả nước. "Thành Đại La ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời" – (trích Chiếu dời đô - Lý Công Uẩn).
Tiếp sau đoàn xe rước rồng, rước biểu tượng Khuê Văn Các của Hà Nội là 13 khối đại diện cho các thành phần tiêu biểu như: Cựu chiến binh, công nhân, nông dân, trí thức, cán bộ, công nhân viên, doanh nghiệp, thanh niên, phụ nữ, dân tộc, tôn giáo... Kết thúc lễ diễu binh diễu hành tại Quảng trường Ba Đình là màn múa hát của 1000 diễn viên thuộc các đoàn nghệ thuật.
Sau buổi lễ chính thức, các đoàn diễn binh, diễu hành chia làm 2 hướng. Một hướng đến đường Nguyễn Thái Học xuôi về đường Tràng Thi và kết thúc ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Hướng còn lại theo đường Nguyễn Thái Học về Ngọc Khánh và kết thúc ở khu vực Khách sạn Daewoo. Các tuyến phố mà đoàn diễu binh, diễu hành đi qua gồm: Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ - Chùa Một Cột - Độc Lập - Ông Ích Khiêm - Bà Huyện Thanh Quan - Tôn Thất Đàm - Nguyễn Cảnh Chân - Bắc Sơn - Mai Xuân Thưởng - Lê Hồng Phong - đường Thanh Niên - Hoàng Hoa Thám (từ Mai Xuân Thưởng đến Liễu Giai); Thụy Khuê (từ Quán Thánh đến dốc Tam Đa) - Quán Thánh (từ đường Thanh Niên đến Hòe Nhai) - Phan Đình Phùng (từ Hàng Bún đến Hùng Vương) - Điện Biên Phủ - Chu Văn An - Hoàng Diệu - Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Thái Học - Tràng Thi - Hàng Khay - Tràng Tiền - các tuyến phố xung quanh Quảng trường Cách mạng Tháng Tám - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Kim Mã - Liễu Giai - Văn Cao - Nguyễn Chí Thanh (từ La Thành đến Kim Mã) - Yên Phụ - Công viên Bách Thảo….
Chương trình diễu hành được ghi nhận với các con số ấn tượng như: 1000 chiến sĩ cảnh sát, 1000 nam nữ diễn viên, 1000 động viên, 1000 ca sĩ, 1000 học sinh, 1000 trống hội, 1000 chim bồ câu... Đây là lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong số gần 40.000 người tham gia, có 12.000 người thuộc khối quân đội, công an. Ngoài truyền hình trực tiếp, Ban Tổ chức đã lắp đặt 20 màn hình cỡ lớn tại các vườn hoa, địa điểm công cộng để người dân Hà Nội theo dõi.
Nam Hà
Ý kiến bạn đọc