Multimedia Đọc Báo in

Thăng Long – Hà Nội – 1000 năm rạng rỡ, tự hào

10:59, 11/10/2010
Chuỗi các chương trình nghệ thuật trong 10 ngày Đại lễ kỷ niệm thủ đô nghìn năm tuổi đã khép lại với đêm hội văn hóa nghệ thuật đặc biệt “Thăng Long- Hà Nội - Thành phố rồng bay” tái hiện lịch sử hình thành và phát triển Thăng Long- Hà Nội vào tối 10-10.
Lễ hội được dàn dựng công phu, điểm lại những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, khẳng định những giá trị trường tồn của văn hiến Thăng Long như sự kiện vua Lý Công Uẩn dời đô năm 1010, nhà Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên, Nguyễn Trãi với Bình Ngô đại cáo, vua Lê Lợi trả gươm báu, Hồ Chủ Tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hà Nội quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không… Lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội được chuyển tải dưới hình thức một bản trường ca "Thăng Long - Hà Nội - Thành phố rồng bay" mang âm hưởng anh hùng và cảm hứng văn hóa, gắn liền với hai khái niệm Đất và Nước.
 
Khác với những chương trình nghệ thuật khác, phần mở màn của đêm hội  này là màn biểu diễn của ánh sáng và hiệu ứng kỹ xảo, đưa người xem gặp lại những đặc trưng của văn hóa Tây Bắc, biển, đảo, không gian dãy Trường Sơn, Tây Nguyên cho đến những công trình kiến trúc tiêu biểu Hà Nội (Tháp Rùa, Khuê Văn Các, linh vật Trâu vàng, Bạch mã, Rùa vàng…) để thay cho lời dẫn truyện. Âm thanh hào hùng, mạnh mẽ, khi bí hiểm trong sự huyền ảo của ánh sáng, tiếng động tạo cảm giác thủa hồng hoang, đất trời hỗn mang, mây mưa, sáng tối trong xôn xao, náo động hình thành Đất và Nước. Hình ảnh trống đồng nổi lên cùng hình ảnh của Lạc Long Quân và Âu Cơ  với tình yêu mãnh liệt của “Trời và đất”. Khép lại thủa hồng hoang là màn múa của 400 diễn viên trong trang phục các nhóm dân tộc cổ múa các điệu múa cổ của cư dân Đại Cồ Việt xưa.
Tái hiện thuở hồng hoang
Tái hiện thuở hồng hoang
Trước thềm điện Kính Thiên, sân khấu biến thành sông Hồng, thành cánh đồng với không khí lao động sản xuất và hình ảnh các làng nghề Thăng Long xưa để tái hiện lại khung cảnh vua Lý Thái Tổ tới định đô tại Thăng Long. “Vũ điệu hoa văn gốm đời Lý” được chọn làm ngôn ngữ đặc tả trong trường đoạn này. Từ hình ảnh chiếc trống đồng, tượng trưng cho bề dày lịch sử Việt Nam cho đến Chiếu dời đô của Vua Lý Thái Tổ cùng hình ảnh hai con rồng bay lên, Thăng Long - Hà Nội ra đời từ đó.
 
Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội trải qua 1000 năm đấu tranh, bảo vệ, xây dựng không ngừng nghỉ. Với ngôn ngữ múa kết hợp các loại hình nghệ thuật: rối, võ… cùng những đạo cụ đặc trưng của từng thời kỳ đã từng bước khắc họa thành tranh những dấu mốc thiêng liêng của dân tộc. Những lời thơ đã ăn vào xương, máu được khẳng định là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên - “Nam Quốc Sơn hà” của người dân Việt được tái hiện trong nền nhạc và ánh sáng. Những chiến binh thời Trần với “Hội nghị diên Hồng – Hịch Tướng sĩ” qua màn biểu diễn của các võ sĩ Vovinam; tinh thần “Cáo Bình ngô”; Vua Lê Thái Tổ trả gươm được thể hiện bằng ngôn ngữ của nghệ thuật múa rối nước; cánh đào báo tiệp – cả sân khấu là một rừng hoa đào trong tiếng trống Lễ hội Đống Đa; Ngọn cờ báo bão với chất liệu âm nhạc là bản Quốc tế ca, ngợi ca Đảng đã thể hiện những nỗ lực, âm thầm chiến đấu, hy sinh cùng sự đoàn kết của những tầng lớp nhân dân tạo thành một bó đuốc lớn….
Lễ hội rồng bay
Lễ hội rồng bay
Từng trang lịch sử được lật giở, được tái hiện một cách độc đáo trên sân khấu kết hợp âm thanh, ánh sáng khiến người xem luôn bất ngờ và ấn tượng. Sân khấu rộn ràng chào đón một mùa xuân mới với màu hoa đào, với điệu múa lân sư...  Sau màn diễn của những cánh hoa đào cách điệu bằng ánh sáng lẫn trong phần đồng diễn, sân khấu chuyển sang một "thời khắc" khác. Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vang lên, lại thấy một mùa hoa tươi mới ngập tràn. Một màn múa sen lớn, đẹp mênh mang, tha thiết, trữ tình lắng đọng cảm xúc về Người.
 
Sau bản Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, đất nước Việt Nam bước sang trang sử mới, thời đại mới “Thời đại Hồ Chí Minh - Ngày hội non sông - Thông điệp thành phố vì hòa bình”. Hàng loạt các sự kiện được tái hiện như: “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”; “Sao vàng năm cửa ô”; “Điện Biên Phủ trên không”... 
 
Lắng đọng trong những đau thương là thanh âm của tiếng đàn bầu. Sau những biến cố của lịch sử, vượt lên những mất mát là hình ảnh “Đất nước trọn niềm vui”. Ca khúc đã tiếp thêm lửa truyền thống - niềm tự hào trong ngày chiến thắng của đất nước. Hình ảnh Hà Nội ngày cuối thu, với những cơn gió bất chợt trong “Hà Nội mùa trở gió” khiến những người tham dự chương trình thấy xốn xang. Một Hà Nội bảng lảng đầy chất thơ mà thanh tao, lịch lãm qua tà áo dài thướt tha. Hà Nội với những ký ức thơ mộng của tuổi trẻ, tình yêu với Hà Nội; những địa danh thân thuộc: Hồ Tây, đường Thanh Niên, sông Hồng cùng những khoảnh khắc lịch sử từ tiếng leng keng tàu điện cho tới các công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội cứ hiển hiện.
 
Hợp xướng Bài ca tuổi trẻ Thăng Long - Hà Nội của nhạc sĩ Trọng Đài vang lên trong màn trình diễn của 1.000 thanh thiếu niên Thủ đô thể hiện khát vọng của tuổi trẻ và ước mơ về một thành phố hòa bình; màn đồng diễn võ thuật của các võ sinh thể hiện khí phách và sức mạnh Việt Nam tiếp nối truyền thống trong lịch sử của cha ông.
 
Đêm hội kết thúc, bầu trời Sân vận động Mỹ Đình rực rỡ ánh sáng của pháo hoa. Hà Nội của chúng ta tròn 1000 năm tuổi…
Nam Hà





Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.