Multimedia Đọc Báo in

Cần cấp bách triển khai các biện pháp quản lý, bảo tồn thủy tùng

22:31, 22/12/2010

Đây chính là vấn đề cấp thiết hiện nay, cũng là một trong những nội dung quan trọng của Dự án Bảo tồn loài - sinh cảnh thủy tùng do Trường Đại học Tây Nguyên (đơn vị tư vấn) tổ chức nghiên cứu, xây dựng hoàn chỉnh được trình Hội đồng thẩm định ngày 22-12 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì.

Quần thể thủy tùng ở Ea Ral (Ea H’leo)
Quần thể thủy tùng ở Ea Ral (Ea H’leo)

Theo kết quả nghiên cứu của Dự án, Dak Lak hiện chỉ còn 255 cây thủy tùng, phân bố ở xã Ea Ral (huyện Ea H’leo), Trấp K’sơ (huyện Krông Năng) và Cư Né (thị xã Buôn Hồ) với tổng diện tích 22,4 ha. Các quần thể thủy tùng hiện đã già cỗi, chỉ có quần thể ở Ea Ral là có khả năng tái sinh trong vòng 50 năm qua. Về chất lượng, 80% cá thể hiện tại đạt ở mức trung bình, khá. Mục tiểu tổng thể của Dự án là thiết lập được hệ thống quản lý, giám sát và bảo tồn lâu dài nhằm duy trì, phát triển quần thể thủy tùng bền vững, phục vụ nghiên cứu khoa học và đời sống. Tổng diện tích quy hoạch bảo tồn dự kiến 128,5 ha, trong đó 26,8 ha có phân bố thủy tùng thuộc phân khu bảo tồn nghiêm ngặt; 29,2 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái; 55,9 ha vùng đệm, còn lại là văn phòng, vườn ươm, hồ và bờ đê đập nước.

Thủy tùng là một trong những loài thực vật quý hiếm có giá trị về sinh học, y học, kinh tế; quần thể tự nhiên thủy tùng hiện tại còn lại duy nhất ở Việt Nam. Trước nguy cơ tuyệt chủng đang hiện hữu, vấn đề bảo tồn loài- sinh cảnh này càng trở nên cấp bách và cần được toàn xã hội quan tâm.

Lê Hương

 


Ý kiến bạn đọc