Multimedia Đọc Báo in

Hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu và môi trường vùng Tây Nguyên”

08:26, 22/12/2010

Ngày 21-12, UBND tỉnh và Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Tác động của biến đổi khí hậu và môi trường vùng Tây Nguyên”. Tham dự Hội thảo có các đồng chí Hoàng Trọng Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Dak Lak, Tiến sĩ Y Ghi Niê, Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hội các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Dak Lak; đại diện Quỹ Môi trường toàn cầu Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, một số sở ban ngành các tỉnh Tây Nguyên.

Trong lời khai mạc Hội thảo, với vai trò là Ủy viên Đoàn chủ tịch Liên hội các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tiến sĩ Y Ghi Niê, khẳng định: Biến đổi khí hậu đã trở thành một vấn đề thời sự có tính toàn cầu và mọi người cần nhận thức đầy đủ hơn. Biến đổi khí hậu không còn là dự báo nữa mà đã trở thành hiện thực và nếu không hành động khẩn trương và kiên quyết thì sẽ quá muộn. Tính cấp bách của việc ứng phó biến đổi khí hậu được Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Thi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam minh họa bằng cái ông gọi là “kịch bản” biến đổi khí hậu Việt Nam. Trong 50 năm qua, biến đổi khí hậu ở Việt Nam đã có những biểu hiện rõ rệt: nhiệt độ trung bình năm tăng 0,5 độ C; lượng mưa gia tăng vào mùa mưa, nhất là từ tháng 9 đến tháng 11; hạn hán xảy ra hằng năm ở hầu hết ở khu vực trong cả nước; đường đi của bão có xu hướng dịch chuyển về phía Nam và mùa bão dịch chuyển vào các tháng cuối năm… Biến đổi khí hậu đã đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia phải chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai hạn hán, lũ lụt, nhiều dịch bệnh gia tăng. Các kịch bản biến đổi khí hậu trong thế kỷ 21 được xây dựng dựa trên các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, nhiệt độ trung bình năm có thể tăng 2,8 độ C ở Bắc Trung bộ, 1,9 độ C ở Nam Trung bộ và 1,6 độ C ở Tây Nguyên và 2 độ C ở Nam bộ; về lượng mưa có thể tăng 7-8% ở bắc Trung bộ và 2-3% ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ, Nam bộ.

Biểu hiện của biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên đã được hội thảo nêu rõ: nhiệt độ trong 30 năm qua (1980-2009) trung bình năm tăng lên từ 0,5-0,7 độ C, lượng mưa giảm khoảng 2%, sự khắc nghiệt của thời tiết gia tăng với biên độ giãn cách đột ngột chưa từng thấy. Sự biến đổi của khí hậu làm điều kiện tự nhiên của Tây Nguyên thêm khắc nghiệt, tần suất thiên tai ngày càng nhiều với cường độ mạnh và khó dự đoán. Lũ lụt Tây Nguyên là vấn đề thường niên, hiện tượng lũ quét xảy ra ngày một nhiều hơn. Cùng với diện tích rừng bị thu hẹp, đất Tây Nguyên đã bị xuống cấp, chua hóa, hàm lượng chất dinh dưỡng bị suy thoái, hiện tượng xói mòn và rửa trôi ngày càng trầm trọng. Lượng nước ngầm và các nguồn nước tự nhiên như sông, suối cũng dần bị cạn kiệt và ô nhiễm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cũng đang bị suy thoái. Ứng phó với biến đổi khí hậu trở thành vấn đề cấp bách được các đại biểu nhấn mạnh cần có sự tham gia của cả cộng đồng từ nhận thức đến hành động.

 

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc