Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn tỉnh:
Lập bản đồ địa chính gần 415.000 ha
Thực hiện Chỉ thị 1315/CT-TTg ngày 23/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 17/12/2010 Bộ TN&MT phối hợp với UBND tỉnh Dak Lak đã tổ chức Hội thảo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn tỉnh. Tham dự có đồng chí Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, đồng chí Trần Hiếu-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dak Lak, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, công ty lâm nghiệp, cà phê … tỉnh và đại biểu các tỉnh Dak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển phát biểu khai mạc Hội nghị |
Các đại biểu tham dự Hội nghị |
Theo báo cáo của UBND tỉnh, trong quá trình thi hành Luật Đất đai, tỉnh đã ban hành 20 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 8 chỉ thị về rà soát tình hình quản lý và sử dụng đất tại các doanh nghiệp; chỉ thị về công tác kiểm kê đất đai; chỉ thị về việc đẩy mạnh tổ chức thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh… Tính đến nay, UBND tỉnh đã đo đạc và lập bản đồ địa chính gần 415.000 ha; xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất cho 184 đơn vị hành chính cấp xã, 15 đơn vị cấp huyện và bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỉnh Dak Lak. Dự án tổng thể đo đạc, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng (GCNQSDĐ) đất đã được Bộ TN&MT thẩm định, UBND tỉnh phê duyệt với tổng kinh phí là 596 tỷ đồng cho 11/15 huyện, thực hiện từ năm 2008 đến nay. Việc thực hiện các thủ tục hành chính trong giao, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất đều đảm bảo theo trình tự, thời gian quy định của pháp luật; phần lớn các dự án đã phát huy được hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Quá trình thống kê, kiểm kê đất đai 2010 đã thiết lập được một hệ thống bản đồ cấp xã, cấp huyện và tỉnh, có bộ cơ sở dữ liệu về đất đai phục vụ cho việc hoạch định phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng trên địa bàn tỉnh; lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoan 2010-2020… Việc ban hành bảng giá đất hàng năm đúng thời gian quy định, chi tiết đến từng đoạn đường, hạng đất nông nghiệp theo địa bàn hành chính cấp xã nên thuận lợi trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi nhà nước giao, cho thuê, cho phép chuyển mục đích sử dụng và cấp GCNQSDĐ. Qua các lần giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai cho thấy, các cấp chính quyền đã thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước của mình trên lĩnh vực này, góp phần làm ổn định tình hình quản lý sử dụng đất ở địa phương. Do đó, các quyết định giải quyết sau khi ban hành cơ bản được nggười dân chấp hành tốt. Trong quản lý các hoạt động dịch vụ công về đất đai, đã thực hiện tốt cơ chế 1 cửa, đáp ứng kịp thời yêu cầu của người sử dụng đất trong việc đăng ký và chỉnh lý biến động. Về quản lý và sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý (BQL) và vườn Quốc gia, có 62/62 lâm trường, BQL rừng phòng hộ, BQL rừng đặc dụng, vườn Quốc gia, nông trường, công ty lâm nghiệp hoàn thành công tác điều tra rà soát hiện trạng quản lý, sử dụng đất với tổng diện tích gần 653.000 ha.
Đồng chí Trần Hiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 đã lắng nghe và ghi nhận những kiến nghị, đề xuất trong vấn đề thi hành luật của đại diện các tỉnh. Cụ thể, đề nghị sửa đổi thời hạn sử dụng các loại đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2003 là ổn định lâu dài. Đề nghị Bộ TN&MT tiếp tục đầu tư kinh phí để thực hiện Dự án theo đúng tiến độ được duyệt. Công tác tổ chức ngành TN&MT, nhất là đất đai cần phải thống nhất giữa các tỉnh thành trong cả nước... Kết thúc Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao những kết quả tỉnh Dak Lak đạt được trong quá trình thi hành luật và yêu cầu các địa phương tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc