Hội thảo quốc gia về giảng dạy Toán học ở trường phổ thông
Từ ngày 9 đến 11-4, Hội Toán học Việt Nam, Hội Giảng dạy Toán học phổ thông phối hợp với Dự án Phát triển giáo viên trung học phổ thông (THPT) và trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), Dự án Phát triển giáo dục trung học cơ sở II đã tổ chức “Hội thảo quốc gia về giảng dạy Toán học ở trường phổ thông Việt Nam”.
Hội thảo nhằm tổng kết thành tựu nghiên cứu lý luận, thực tiễn giảng dạy toán học phổ thông, đào tạo giáo viên giảng dạy bộ môn toán trong những năm đầu của thế kỷ XXI. Từ đó kiến nghị phương hướng phát triển giáo dục toán học bậc phổ thông ở Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời chuẩn bị tốt cho việc xây dựng chương trình toán giai đoạn sau năm 2015.
Với mục tiêu trên, các đại biểu đã tập trung thảo luận 5 vấn đề có liên quan trực tiếp đến giáo dục Toán học phổ thông gồm: Chương trình và sách giáo khoa môn Toán cho trường phổ thông; phương pháp và phương tiện dạy học; đánh giá kết quả học tập; nghiên cứu giáo dục Toán học và đào tạo giáo viên dạy toán cho các trường phổ thông.
Quang cảnh Hội thảo |
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Kiều, Chủ tịch Hội giảng dạy toán học phổ thông cho biết: Toán học nói chung và môn toán trong nhà trường phổ thông nói riêng, cho đến nay và trong tương lai chắc chắn vẫn có được vai trò mà nó từng có đối với sự phát triển của khoa học- kỹ thuật và kinh tế-xã hội. Càng ngày con người càng nhận thức được khả năng vô tận của việc ứng dụng toán học bởi toán học đưa ra những mô hình rất tổng quát và đủ chính xác để nghiên cứu thực tế xung quanh, khác hẳn với những mô hình kém tổng quát và thiếu chính xác của các khoa học khác đưa ra.
Chương trình và Sách giáo khoa môn Toán ở nước ta đã trải qua nhiều lần thay đổi, đáp ứng yêu cầu các cuộc cải cách giáo dục, các đợt chỉnh lý lớn cũng như đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Cấu trúc chương trình môn toán phù hợp với cấu trúc chung về chương trình của nhiều nước trên thế giới.
Nội dung chương trình từ tiểu học đến trung học phổ thông đã giảm được tính hàn lâm, kinh viện, quan tâm hơn đến thực hành, ứng dụng, yêu cầu liên bộ môn thông qua việc xây dựng chuẩn kiến thức và kỹ năng. Sách giáo khoa Toán là bộ sách ít có sai sót nhất so với các bộ sách khác, đã bám sát nội dung của chương trình để cụ thể hóa nội dung cần học một cách đầy đủ, bảo đảm tính vừa sức, sự phát triển logic của kiến thức, hệ thống bài tập đa dạng, phù hợp với các trình độ, nhiều bài tập có nội dung thực tiễn... Đặc biệt hệ thống trường chuyên, trong đó có các lớp chuyên toán đã có một thời gian phát triển lâu dài hơn cả so với các bộ môn khác.
Về đào tạo giáo viên toán cho các trường phổ thông, trước đây tuyệt đại đa số giáo viên được đào tạo trong các trường sư phạm, nhưng trong thời gian qua đã có sự thay đổi khi nhiều trường cao đẳng, đại học khác đã có khoa sự phạm và đã tham gia đào tạo giáo viên. Nếu trước đây chúng ta nói đào tạo giáo viên toán với tư cách đào tạo chuyên gia bộ môn toán, thì ngày nay không yêu cầu như thế nữa mà đào tạo người giáo dục học trò (thế hệ trẻ) thông qua việc học môn toán, bằng cách dạy và tác động chính nhân cách người học. Vì vậy, ngày nay cần đào tạo con người đi dạy chứ không phải đào tạo ra con người để nghiên cứu toán học. Trong tương lai, giáo viên cũng cần có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học trẻ em, tâm lý học sư phạm, về lý luận dạy học môn toán...vv.
NH (Nguồn Giáo dục và Thời đại)
Ý kiến bạn đọc