Multimedia Đọc Báo in

Phê duyệt chiến lược phát triển nhân lực VN 2011-2020

10:27, 21/04/2011

Thủ tướng Chính phủ vừa ký phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020. Đây là lần đầu tiên nước ta có một bức tranh chung mang tính tổng hợp và cụ thể nhất về quy hoạch và phát triển nhân lực. Một trong những mục tiêu cụ thể chiến lược này đưa ra là phấn đấu đến năm 2015 có 55% tỷ lệ lao động qua đào tạo; và  nâng lên 70% vào năm 2020. Cũng theo chiến lược này, Việt Nam sẽ xây dựng một số cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề đạt trình độ quốc tế để cung cấp nhân lực trình độ cao cho hệ thống giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Đến 2020, số trường  đại học xuất sắc đạt trình độ quốc tế từ 4 trường trở lên. Đến năm 2020, chiều cao trung bình của thanh niên từ 1,65m trở lên; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi phải ít hơn 5% cũng là mục tiêu chiến lược hướng đến.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Trường Đại học Tây Nguyên luôn gắn nội dung chương trình đào tạo với thực tế đời sống. Trong ảnh: Sinh viên của Trường đang giúp nhân dân khai hoang ruộng nước.

Để đạt được những mục tiêu này, giải pháp được đưa ra là đổi mới chính sách sử dụng nhân lực. Trên cơ sở đó, đẩy mạnh qúa trình trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị, tổ chức sự nghiệp công lập trong quản lý, sử dụng nhân lực. Xây dựng quy chế (cơ chế và chính sách) giao nhiệm vụ theo các hình thức khoán, đấu thầu, hợp đồng trách nhiệm, thi tuyển... gắn với đãi ngộ dựa trên kết quả cuối cùng để khuyến khích phát huy sáng kiến, sáng tạo và khích lệ lòng tự tôn dân tộc, tôn vinh người tài và người có nhiều đóng góp cho đất nước. Cùng với đó, xây dựng quy chế (tiêu chuẩn và quy trình) đánh giá nhân lực dựa trên cơ cở năng lực thực tế, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế và đãi ngộ tương xứng với trình độ năng lực và kết quả công việc. Khắc phục tâm lý, hiện tượng qúa coi trọng và đề cao bằng cấp một cách hình thức trong tuyển dụng và đánh giá nhân lực.

N.H (Nguồn Giáo dục và Thời đại)


Ý kiến bạn đọc