Multimedia Đọc Báo in

Từ 1-5, lương tối thiểu chung là 830.000 đồng/tháng

15:52, 05/04/2011

Ngày 4-4, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2011/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu chung thực hiện từ 1-5-2011 là 830.000 đồng/tháng, tăng 100.000 đồng so với mức lương hiện hành (730.000 đồng/tháng).

Mức lương tối thiểu chung trên được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở cơ quan nhà nước, lực  lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; đơn vị sự nghiệp Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được tổ chức quản lý theo hoạt động của Luật Doanh nghiệp. Mức lương tối thiểu chung này được dùng làm cơ sở tính các mức lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp lương và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định nêu trên. Ngoài ra, mức lương này cũng được dùng làm cơ sở để tính trợ cấp từ 1-5-2011 trở đi đối với lao động dôi dư theo Nghị định số 91/2010/NĐ-CP ngày 20-8-2010 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng tính theo lương tối thiểu chung.

Kinh phí tăng lương tối thiểu chung của ngành Y tế sẽ được sử dụng từ số thu để lại theo chế độ. Ảnh: D.H

Kinh phí thực hiện tăng lương tối thiểu chung đối với các đối tượng do ngân sách Nhà nước bảo đảm từ các nguồn như: sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ tiền lương và các khoản có tính chất lương) theo dự toán đã được cấp có thẩm quyền giao 2011 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp; sử dụng tối thiểu 40% thu được để lại theo chế độ năm 2011 của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thu. Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế, sử dụng tối thiểu 35% số thu để lại theo chế độ (sau khi trừ đi chi phí thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế). Sử dụng 50% số tăng thu thực hiện so dự toán năm 2010 của ngân sách địa phương; nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2010 của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và các cấp ngân sách địa phương.

Ngân sách Trung ương sẽ bảo đảm bổ sung kinh phí để thực hiện tăng lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trích như trên nhưng vẫn không đủ kinh phí. Đồng thời, cũng sẽ hỗ trợ những địa phương khó khăn, chưa cân đối được nguồn với mức bình quân 2/3 so với mức lương tối thiểu chung đối với người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn, ở thôn và tổ dân phố.

Cùng với việc tăng mức lương tối thiểu chung, ngày 4-4, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 23/2011/NĐ-CP về việc tăng thêm 13,7% lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho 6 nhóm đối tượng. Việc tăng lương hưu trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cũng được thực hiện kể từ 1-5-2011.

Theo đó, 6 nhóm đối tượng được tăng lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng gồm: cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động, quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định 92/2009/NĐ-CP ngày 22-10-2009, Nghị định 121/2003/NĐ-CP ngày 21-10-2003 và Nghị định 09/1998/NĐ-CP ngày 23-1-1998 đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng, người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 91/2000/QĐ-TTg ngày 4-8-2000, Quyết định 613/QĐ-TTg ngày 6-5-2010, công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20-6-1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13-10-1981 của Hội đồng Bộ trưởng; quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng quy định tại Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27-10-2008, Quyết định 38/2010/QĐ-TTg ngày 6-5-2010; công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 53/2010/QĐ-TTg ngày 20-8-2010.

D.H (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.