Multimedia Đọc Báo in

Hội Nông dân sẽ trực tiếp thực hiện một số đề án phát triển nông thôn giai đoạn 2011 - 2020

08:46, 12/05/2011

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định về việc Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.

Việc ban hành Quyết định trên là nhằm phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và nòng cốt của Hội Nông dân Việt Nam trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại, bền vững, tạo điều kiện để nông dân tham gia đóng góp và hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo Quyết định này, Hội Nông dân Việt Nam sẽ chủ trì, trực tiếp đầu tư nâng cấp và xây dựng mới các trung tâm dạy nghề và chuyển thành đơn vị sự nghiệp để trực tiếp tổ chức các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ dạy nghề cho nông dân. Bên cạnh đó, Hội chủ trì việc nâng cấp, bổ sung trang thiết bị của 19 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân đã có thuộc các tỉnh, thành Hội; đầu tư xây dựng mới các Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc các tỉnh, thành Hội còn lại (mỗi năm đầu tư xây mới 4-5 Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh). Đồng thời, Hội Nông dân cũng là đầu mối chủ trì, trực tiếp thực hiện tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản...) theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng hoặc dạy nghề tại chỗ theo hình thức "cầm tay chỉ việc") cho các đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp.

Hội Nông dân cũng là đầu mối chủ trì, trực tiếp thực hiện tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông. Ảnh minh họa: D.H

Cũng theo quyết định của Thủ tướng, trên cơ sở tổ chức và hoạt động đã có, cần đổi mới Quỹ Hỗ trợ nông dân thành tổ chức trực thuộc hệ thống Hội Nông dân Việt Nam. Năm 2011, ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là 300 tỷ đồng; nhưng từ năm 2012 - 2020, mỗi năm căn cứ vào tình hình cụ thể, ngân sách Trung ương có thể hỗ trợ thêm để tăng nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo việc thành lập quỹ; hằng năm hỗ trợ ngân sách địa phương cho Quỹ Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân các cấp.

Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; tham gia với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và nhân rộng mô hình kinh tế hợp tác sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản; tham gia với Bộ Công thương thực hiện chính sách của Chính phủ về tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân;...

Được biết, thời gian qua, để giúp nông dân thúc đẩy sản xuất phát triển, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp ở địa phương đã giúp 76.460 hộ vay sản xuất với mức bình quân 6,5 triệu đồng/hộ. Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam cũng chủ động, phối hợp tổ chức tập huấn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công cho gần 6,8 triệu lượt hội viên, nông dân; tổ chức dạy nghề cho 297.581 nông dân và xây dựng hàng chục ngàn mô hình trình diễn sản xuất trồng trọt, chăn nuôi bằng giống mới và kỹ thuật mới.

D.H (nguồn chinhphu.vn)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.